Hy Lạp "cay cú" khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga

26/11/2015 08:19:16

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiếc Su-24 Nga bị nước này bắn hạ vì "xâm phạm không phận" đã khiến Hy Lạp tức giận và tung ra những bằng chứng "bóc mẽ" Ankara.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiếc Su-24 Nga bị nước này bắn hạ vì "xâm phạm không phận" đã khiến Hy Lạp tức giận và tung ra những bằng chứng "bóc mẽ" Ankara.

Một sĩ quan Không quân Hy Lạp điều khiển radar của tên lửa phòng không Patriot tại căn cứ không quân Tatoi, phía Bắc Athens. Ảnh: Reuters

Theo RT (Nga), truyền thông Hy Lạp mới đây đã gọi những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ là sự áp đặt "tiêu chuẩn kép", bởi các chiến đấu cơ của chính nước này đã nhiều lần xâm phạm không phận của Hy Lạp.

Báo chí Hy Lạp chất vấn điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội nước này được cho phép đánh chặn máy bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Protothema của Hy Lạp hôm 25/11 đã công bố các thông tin cáo buộc không quân Thổ Nhĩ Kỳ thường có thái độ miễn cưỡng khi phải chia sẻ bất kỳ thông tin chi tiết nào về các vụ xâm phạm lãnh thổ.

Tờ này dẫn số liệu của trường Đại học Thessaly cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận Hy Lạp tới 2.244 lần trong năm 2014, tăng 636 lần so với 2013.

Ông Thanos Dokos, giám đốc Quỹ Hellenic dành cho châu Âu và chính sách đối ngoại có trụ sở tại Athens nói hồi tháng 7: "Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng giành chủ quyền trên các quần đảo tranh chấp và buộc Hy Lạp ngồi vào bàn đàm phán.

Điều đáng lo ngại là các chuyến bay ở độ cao thấp, thường là bằng trực thăng, qua các quần đảo này."

Theo phía Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đã không tôn trọng "không phận 10 hải lý" quanh quần đảo Aegean, dẫn đến nhiều cuộc không chiến giữa các máy bay của đôi bên.

Số liệu thống kê của Đại học Thessaly, Hy Lạp về số vụ Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận nước này.

Theo thông tin từ trụ sở Không quân Hy Lạp, không phận nước này đã bị xâm phạm 1.233 lần từ tháng 1 đến tháng 10/2015, trong đó có 31 lần máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bay vào không phận trên đất liền của Hy Lạp.

Athens nhiều lần chỉ trích Ankara đang lợi dụng tình trạng khó khăn kinh tế của Hy Lạp để "thừa nước đục thả câu".

Ông Thanos Dakos cho biết: "Khi xảy ra các cuộc xâm nhập không phận thì bạn buộc phải hành động. Không thể né tránh một cách đơn phương trước một tình huống xâm lược về quân sự.

Đó là một tình huống bi kịch, bởi bằng số tiền chúng tôi phải bỏ ra cho các vụ đối đầu trên không với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp đã có thể đầu tư vào các lĩnh vực quốc phòng khác."

RT cho hay, truyền thông quốc tế cũng chú ý tới những "vụ xâm phạm cố ý" của các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng biển Hy Lạp.

Theo đó, từ tháng 1-7/2015, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Hy Lạp 175 lần. Sự bất mãn của Athens leo tháng hồi tháng 6 khi tàu Gelibolu của Thổ Nhĩ Kỳ "tuần tra vùng biển Hy Lạp".

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikas Kotzias hôm thứ Tư (25/11) đã thể hiện thái độ đoàn kết với Moscow trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Nga cho biết: "Athens đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hành động thù địch của Ankara - điều đi ngược lại các mục tiêu của liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS)."

Về phía Hy Lạp, Bộ ngoại giao nước này tuyên bố "đã quá hiểu những động thái khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ qua hàng loạt vụ vi phạm không phận Hy Lạp trong nhiều năm trời".

RT cho biết, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời 2 nước này cùng tuyên bố chủ quyền ở khu vực 6 hải lý của biển Aegean.

Nhiều vụ đối đầu xảy ra trong phạm vi 4 hải lý gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực mà Hy Lạp xem là lãnh hải của mình còn Ankara gọi là vùng biển quốc tế.

Hy Lạp cũng khẳng định chủ quyền không phận 10 hải lý quanh các đảo, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thừa nhận phạm vi 6 hải lý và khẳng định các máy bay quân sự của họ "bay qua không phận quốc tế".
 
>> Phi công Nga được cứu sống sau vụ Su-24 bị bắn rơi
>> Phi công Su-24 Nga: "Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa mà không hề cảnh báo"

Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật