Bob Woodward đã chọn một ngày biểu tượng để ra mắt cuốn sách của mình: 11/9, ngày kỷ niệm vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Suốt tuần qua, những bài bình luận về cuốn sách, cùng bài viết của nhân vật cấp cao giấu tên trong chính quyền ông Trump tự xưng là “phe phản kháng”, đang là tâm điểm của chính trường Mỹ.
Woodward, nhà báo huyền thoại trong vụ điều tra Watergate từng khiến cựu tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974, tái xuất với một cuốn sách được coi là chấn động với tên "Fear: Trump in the White House" (Nỗi sợ hãi: Trump tại Nhà Trắng).
Ở trong cuốn sách đó, vị tổng thống từ New York được miêu tả là hành xử như trẻ con, còn các cố vấn thì tìm mọi cách để “lấy trộm” hoặc giấu giấy tờ để ông Trump không ký hay đưa ra những quyết định được coi là có hại cho an ninh quốc gia.
Và những tiết lộ này diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ, được coi như là cú bỏ phiếu cho nửa nhiệm kỳ đầy biến động của Tổng thống Trump. Và nếu phe Dân chủ chiếm lại được Hạ viện (khả năng đang rất cao), số phận ông Trump có thể sẽ bước sang ngã rẽ khác – thậm chí là có thể bị luận tội.
Và sách của Woodward được coi là có "sức nặng" đáng kể khi ông là biểu tượng của báo chí điều tra xứ cờ hoa.
Nhiệm vụ bất khả thi của thư ký báo chí
Sáng 5/9, Thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders bước ra trước "rừng ống kính" của giới nhà báo ở Cánh Tây của tòa nhà số 1600 Đại lộ Pennsylvania, thủ đô Washington D.C. Người phụ nữ 36 tuổi chuẩn bị đương đầu với một trong những cơn bão truyền thông nghiêm trọng nhất trong 14 tháng bà đảm nhiệm chức vụ thư ký báo chí Nhà Trắng.
Truyền thông Mỹ như muốn "nổ tung" vì những đoạn trích dẫn trong quyển sách Fear: Trump in the White House mô tả chính phủ của ông Trump chìm trong hỗn loạn và lừa dối với những nhân vật then chốt tìm cách ngăn cản tổng thống đưa ra những quyết sách đe dọa an ninh quốc gia.
Sanders đứng trước một nhiệm vụ gần như bất khả thi: Hạn chế tối đa những tổn thương chính trị cho Nhà Trắng từ quả bom tấn của làng báo năm 2018 được viết bởi huyền thoại Bob Woodward - nhà báo từng khiến vô số những người tiền nhiệm của bà phải đau đầu.
Khắc tinh của 8 đời tổng thống Mỹ
Một buổi sáng 7 năm về trước, Bob Woodward cũng đặt ra câu hỏi bất khả thi khác cho Jay Carney - thư ký báo chí của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thời điểm đó, cây bút huyền thoại của Washington Post đang viết quyển sách về những đàm phán trần nợ công của chính quyền. Ngồi ung dung trên ghế sofa trong văn phòng của Carney, ông chuẩn bị đưa ra lời đề nghị mà Nhà Trắng không thể từ chối.
Woodward rút từ cặp bản ghi nhớ mật của Peter Orszag, cựu lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (nhiệm kỳ 2009 - 2010). Trước ánh mắt ngỡ ngàng của Carney, ông muốn các thành viên chính phủ Obama hợp tác, đưa ra phản hồi chính thức về những chi tiết được nêu trong văn bản này.
Người phóng viên lão luyện sau đó bình thản chỉ vào két sắt sau lưng Carney, chứa hàng loạt tài liệu mật của Nhà Trắng.
“Tôi muốn được tiếp cận toàn bộ thông tin, gồm cả những gì được cất trữ trong đấy”, ông nói. "Một số giấy tờ trong két tôi đã nắm trong tay”, ông nhẹ nhàng nói.
Những người có mặt trong văn phòng của Jay Carney ngày định mệnh đó đều hiểu rõ họ không còn lựa chọn khác. "Woodward đã biết tất cả mọi thứ, và nếu bạn không hợp tác với ông ta, bạn coi như xong đời”, cây bút Annie Karni của Politico bình luận.
Đó là một cảnh tượng đậm chất Bob Woodward, “người khổng lồ” trong lĩnh vực báo chí điều tra về những bí mật tại chính trường ở Washington.
Cách đây hơn 40 năm, ông và người cộng sự Carl Bernstein cùng loạt phóng sự điều tra về bê bối Watergate buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Washington Post khi đó trở ngọn hải đăng cho việc báo chí tham gia vào quá trình minh bạch hóa chính phủ và phanh phui các cuộc "đi đêm" của quan chức.
Loạt bài bom tấn đầu thập niên 1970 cũng là ví dụ điển hình cho khả năng điều tra bậc thầy của Woodward, tận dụng những nguồn tin tuyệt mật sâu bên trong chính phủ để nói lên sự thật.
Mark Felt, cựu phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) và là nguồn tin cấp cao của Woodward, được ông giữ bí mật danh tính trong hơn 30 năm với bí danh “Deep Throat”. Trong suốt thời gian đó, Woodward kiên định vượt lên mọi công kích và hoài nghi về độ uy tín của nguồn tin.
Mãi đến năm 2005, khi Felt tự đăng đàn thừa nhận về vai trò của mình trong loạt bài điều tra Watergate, Woodward mới xác nhận vị cựu phó giám đốc FBI chính là nguồn tin “Deep Throat” của mình.
Trong hàng chục năm lăn lộn với nghề, Woodward luôn tìm ra cách để đưa sự thật đến với bạn đọc. 8 đời tổng tổng Mỹ, ông viết sách về 3 trong số đó: Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama.
Chính phủ của Tổng thống Obama năm 2011 cũng hiểu rõ họ không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận lời đề nghị của Bob Woodward, tương tự như cách mà 2 chính phủ tiền nhiệm từng làm.
Cách tốt nhất để tháo ngòi nổ, hay ít nhất là giảm phần nào sức công phá, của quả bom truyền thông Woodward là hợp tác và chủ động đưa thêm thông tin với hy vọng điều chỉnh được hình ảnh Nhà Trắng trong câu chuyện mà nhà báo lão luyện này theo đuổi.
“Chúng tôi quyết định lật ngửa bài. Ít ra bằng cách đó chúng tôi còn nhìn thấy được điều gì sắp xảy ra”, Daniel Pfeiffer, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời Obama, trả lời Politico đầu tháng 8.
Bom tấn được kích nổ
Quyển sách về Tổng thống Donald Trump đã được Woodward âm thầm chuẩn bị từ trước khi tỷ phú người New York nhậm chức tổng thống.
Trong thời gian ông Trump tranh cử, Woodward và cộng sự Robert Costa đã có cuộc phỏng vấn sâu với ứng viên đảng Cộng hòa cho một bài viết trên Washington Post. Lần tiếp xúc đó cho Woodward cơ hội nhìn thấy phần nào thế giới của Trump, cũng như những nhân vật quyền lực sẽ vây quanh ông trong tương lai.
Ngày 3/1/2017, vài tuần trước lễ nhậm chức, cánh phóng viên ở New York lại phen xôn xao khi nhìn thấy Woodward đứng tại sảnh lớn của tòa nhà Trump Tower. Truyền thông Mỹ đồn đoán Woodward đã hẹn gặp một số nhân vật cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - những người sắp cùng tỷ phú New York đến Washington và nắm giữ những vị trí quyền lực trong Nhà Trắng.
“Tôi chỉ đang làm việc thôi. Tôi đang theo đuổi dự án mang tính dài hạn. Hy vọng các bạn hiểu”, Woodward đáp lại khi được các phóng viên tại Trump Tower gặng hỏi.
Quyển sách của Bob Woodward mở đầu bằng câu chuyện cựu Cố vấn kinh tế Nhà trắng Gary Cohn trộm tài liệu của ông Trump ngay giữa phòng Bầu dục; và kết thúc bằng lá đơn từ chức của luật sư tổng thống John Dowd vì không thể tiếp tục đại diện cho “một kẻ dối trá”.
Trong một đoạn trích, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly gọi nơi ông làm việc là một “thị trấn điên rồ” và “khổng hiểu vì sao mọi người lại đến đây”. Một phần khác của quyển sách cho biết Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hoài nghi về năng lực của nhà lãnh đạo 72 tuổi, cho rằng tổng thống “có khả năng hiểu biết chỉ bằng đứa trẻ lớp 5 hay lớp 6”.
Quả bom tấn đã được kích nổ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ê kíp không chịu học thuộc kinh nghiệm từ những người tiền nghiệm: Đừng né tránh hay nói dối với Bob Woodward!
Khác với những chính phủ tiền nhiệm, chính phủ Trump không chính thức cấp quyền tiếp cận các nguồn tin trong Nhà Trắng cho nhà báo của Washington Post khi ông đề cập đến ý định viết sách. Bộ phận truyền thông ở các cơ quan khác thuộc chính phủ Trump cũng không hỗ trợ ông đối chiếu thông tin trong quá trình điều tra.
Bob Woodward tìm đủ mọi cách để liên lạc với Tổng thống Trump trong thời gian viết sách, nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Ông cho biết đã liên hệ với 6 nhân vật có mối quan hệ thân viết với nhà lãnh đạo, từ Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway đến Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump gọi đến văn phòng tờ báo vào ngày 14/8 và hỏi về quyển sách sắp xuất bản, nhà lãnh đạo lại phát biểu vòng vo rằng không ai báo cho ông về những lời hẹn gặp của Woodward.
Trong suốt 18 tháng kể từ khi ông Trump nhậm chức, ít ai nhìn thấy “người khổng lồ” của Washington Post tại Nhà Trắng. Ông không ngồi chờ trước văn phòng của bất kỳ ai. Tuy nhiên, trong cuộc điện thoại kéo dài hơn 11 phút hồi đầu tháng 8 với tổng thống Mỹ, Woodward khẳng định ông đã ghi âm được "hàng trăm giờ phỏng vấn với rất nhiều người".
Tiết lộ với Politico, hai nhân vật từng được Woodward phỏng vấn cho biết ông thường hẹn các quan chức chính phủ và những nguồn thạo tin bí mật đến nhà riêng để phỏng vấn. Ông sẽ mời họ bước vào thư phòng huyền thoại của mình, nơi treo đầy những giải Pulitzer và những bài báo từng làm chấn động nước Mỹ, rồi “xoay” các đối tượng phỏng vấn trong hàng giờ liền để họ tự giao lại lịch trình, nhật ký, sổ ghi chép và tài liệu mà ông cần.
Sự thiếu hợp tác của Tổng thống Trump đã dẫn đến một hệ quả tất yếu: Các quan chức cấp cao trong chính phủ Trump tự hành động theo ý mình để bảo vệ danh tiếng bản thân. Họ tự tìm đến Woodward. Không ai muốn trở thành người cuối cùng chia sẻ quan điểm về những diễn biến bên trong tòa nhà quyền lực nhất nước Mỹ.
“Ông ấy chỉ cần bắt thóp được một người, và thế là toàn bộ phần còn lại sợ hãi như đang đứng trước Chúa trời”, một cựu quan chức Mỹ mô tả lại phương pháp của nhà báo điều tra lừng lẫy nước Mỹ.
Tháng 11 bất định
Hình ảnh của Nhà Trắng đang hỗn loạn hơn bao giờ hết trong con mắt của truyền thông và người dân Mỹ.
Ngày 5/9, bài viết “Tôi là một phần của lực lượng chống đối trong chính phủ Trump” được New York Times xuất bản trên mục bình luận độc lập tiếp tục khiến dư luận Mỹ xôn xao.
Như thể tác giả bài viết cũng là một trong những nguồn tin mật trong quyển sách của Bob Woodward, cả hai đều vẽ nên hình ảnh nội bộ Nhà Trắng chia rẽ, Tổng thống Trump đưa ra những quyết định bốc đồng và các quan chức cấp dưới nhiều lúc phải bất tuân lệnh để hạn chế những hành động mà họ coi là gây hại cho đất nước.
Giữa những rối ren, các quan chức trong chính phủ Trump vẫn đua nhau phủ nhận có chân trong trong "phe chống đối" đang âm thầm ngán đường tổng thống. Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly phủ nhận từng gọi tổng thống là "kẻ ngốc"; tướng Mattis phủ nhận nói nhà lãnh đạo có trí thông minh chỉ bằng học sinh trung học; Phó Tổng thống Mike Pence khăng khăng nói ông không phải tác giả bài viết gây tranh cãi trên New York Times.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đang không biết quanh ông đâu là "bạn" và đâu là "thù".
Ông gọi những người âm thầm ngăn chặn những quyết sách của ông là “phản quốc”, yêu cầu New York Times trình báo tác giả bài viết với chính phủ vì mục tiêu an ninh quốc gia. Ông dùng cụm từ “chính quyền ngầm” để nói về những người chống đối và khẳng định phải giải quyết cái mà ông gọi là “vũng lầy Washington mục nát”.
Nhà Trắng đang chìm trong liên tiếp những cuộc khủng hoảng truyền thông chưa thấy hồi kết.
“Thẳng thắn mà nói, nếu như mọi việc thật sự đang tốt đẹp, Woodward có thể khiến tình hình trở nên khả quan hơn dự kiến. Tuy nhiên, nếu chính phủ đang trong tình thế bất lợi, ông ấy sẽ làm cho mọi việc tồi tệ ngoài sức tưởng tượng”, Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí thời Tổng thống George W. Bush, trả lời CNN đầu tháng 9.
Nếu không tìm ra cách giải cứu hình ảnh của mình trong ánh mắt công chúng, chính phủ Trump có thể sẽ rơi vào trường hợp thứ 2.
Và "bất ngờ tháng 10", như cách nói của giới theo dõi chính trị Mỹ, thực tế đã đến từ tháng 9.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)