Hơn 90 người chết vì bạo loạn, Bangladesh áp lệnh giới nghiêm

05/08/2024 10:00:50

Ít nhất 91 người thiệt mạng, bao gồm 13 cảnh sát, và hàng chục người khác bị thương tại Bangladesh, trong bối cảnh cảnh sát sử dụng hơi cai và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông người biểu tình.

Hơn 90 người chết vì bạo loạn, Bangladesh áp lệnh giới nghiêm

Số liệu tử vong được cảnh sát và giới bác sĩ báo cáo hôm 04/08 tại thủ đô Dhaka và các quận Bogura, Pabna và Rangpur ở phía Bắc, cũng như Magura ở miền Tây, Comilla ở phía Đông và Barisal, Feni ở phía Nam Bangladesh.

Đám đông tấn công các sĩ quan tại Sở cảnh sát Enayetpur ở thành phố Sirajganj miền Tây Bắc, theo phó tổng thanh tra Vijay Basak thuộc cảnh sát Bangladesh. Giới chức chưa xác định danh tính các đối tượng tấn công.

Người biểu tình yêu cầu thủ tướng  Sheikh Hasina từ chức. Các cuộc biểu tình trước đó bắt đầu bằng việc sinh viên kêu gọi chấm dứt hệ thống hạn ngạch trong tuyển dụng công chức, dần trở thành bạo loạn khiến 200 người thiệt mạng, theo Al Jazeera.

Bà Hasina cho rằng những người tham gia "phá hoại" trên danh nghĩa biểu tình không phải là sinh viên mà là tội phạm. Giới chức đã chặn truy cập internet và áp dụng giới nghiêm. Ít nhất 11.000 người bị bắt trong những tuần gần đây.

Các trường hợp thiệt mạng được ghi nhận tại ít nhất 11 quận bao gồm Bogura, Magura, Rangpur và Sirajganj, nơi người biểu tình được ủng hộ bởi đảng Quốc gia Bangladesh đối lập đã đụng độ với cảnh sát và các nhà hoạt động của Liên đoàn Awami cầm quyền.

Prapti Taposhi, một nhà hoạt động sinh viên chứng kiến các cuộc đụng độ với cảnh sát cho biết cảnh sát đã nhiều lần đối đầu với người biểu tình.

"Tôi đang ở trên đường, tôi nhìn thấy rất nhiều người. Đây không chỉ là cuộc biểu tình của sinh viên hay biểu tình phản đối hạn ngạch," cô nói.

Chính phủ Bangladesh áp dụng giới nghiêm bắt đầu lúc 18 giờ hàng ngày, nhưng người biểu tình vẫn tiếp tục tụ tập ở quảng trường Shaheed Minar tại Dhaka.

Người biểu tình kêu gọi "không hợp tác", đề nghị người dân không đóng thuế, thanh toán chi phí sinh hoạt và không đi làm vào Chủ Nhật. Các văn phòng, ngân hàng, nhà máy vẫn mở cửa, nhưng người sử dụng phương tiện công cộng ở Dhaka và các thành phố khác gặp khó khăn khi đi làm.

Chính phủ Bangladesh tuyên bố ngày nghỉ từ 05 tới 07/08. Tòa án vẫn sẽ đóng cửa, trong khi trường học và đại học trên cả nước cũng bị đóng cửa.

Hà An (SHTT)