Hơn 662.000 người chết vì nCoV toàn cầu

29/07/2020 08:01:37

Thế giới ghi nhận gần 16,9 triệu ca nCoV và hơn 662.000 người chết, khi WHO cảnh báo Covid-19 dường như không theo mùa và trỗi dậy ở nhiều nơi.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 16.874.095 ca nhiễm và 662.085 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 260.555 và 6.528 ca sau 24 giờ, trong khi 10.433.542 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.488.483 ca nhiễm và 152.096 người chết, tăng lần lượt 62.442 và 1.763 ca so với một ngày trước đó. Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia kiêm cố vấn y tế cho ủy ban chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 28/7 cảnh báo một số bang, bao gồm Tennessee, Ohio, Indiana và Kentucky, cần nhanh chóng xử lý tình trạng số ca nhiễm tăng vọt, bởi Mỹ không đủ khả năng đương đầu với một làn sóng Covid-19 khác như diễn biến vài tuần gần đây ở Florida, Texas, Arizona và California.

Fauci một lần nữa kêu gọi người dân đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay và đóng cửa các quán bar. Ông cũng nhắc lại khuyến nghị hồi tháng 4, rằng nên tái mở cửa nền kinh tế theo từng giai đoạn. Phần lớn các bang đã phớt lờ lời khuyên này.

Hơn 662.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, hôm 26/7. Ảnh: AFP.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 88.470 sau khi ghi nhận thêm 791 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 37.408 trong 24 giờ qua, lên 2.480.888. Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm ở Brazil có thể cao hơn nhiều do xét nghiệm hạn chế.

Chính quyền Rio de Janeiro thông báo hủy lễ đón giao thừa, thường thu hút hàng triệu người tới bãi biển Copacabana, thêm rằng lễ hội Carnival nổi tiếng vào tháng hai cũng có thể bị hủy. Trong khi đó, Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, đã hoãn vô thời hạn lễ hội Carnival.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người luôn đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch, hôm 25/7 tuyên bố đã âm tính với nCoV sau lần xét nghiệm thứ tư. Công đoàn đại diện hơn một triệu y bác sĩ Brazil đã gửi hồ sơ lên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), kêu gọi quốc tế điều tra cách chính quyền Bolsonaro ứng phó Covid-19.

"Chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã phạm tội cẩu thả trong xử lý đại dịch, đe dọa mạng sống của nhân viên y tế và người dân Brazil", hồ sơ có đoạn.

Mexico, vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh và lớn thứ sáu thế giới, báo cáo 395.489 ca nhiễm và 44.022 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.973 và 342 ca. Nước này là vùng dịch chết chóc thứ tư thế giới, sau Mỹ, Brazil và Anh.

Chính quyền có thể mất vài ngày để thu thập số liệu, đồng nghĩa với việc thống kê của một số ngày thấp hơn so với con số thực tế. Toàn bộ trường học tại Mexico vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.

"Sự bùng phát của Covid-19 thậm chí trở nên phức tạp hơn do nó đã phơi bày hiện trạng sức khỏe suy yếu của người dân", Thứ trưởng y tế Mexico Hugo Lopez Gatell cho hay. Theo báo cáo tuần trước, 43% người chết còn mắc bệnh tăng huyết áp, 38% bị tiểu đường và 25% béo phì.

Peru, vùng dịch lớn tiếp theo của Mỹ Latinh, hiện ghi nhận 389.717 ca nhiễm và 18.418 ca tử vong. Bất chấp những rủi ro của đại dịch, nước này vẫn nỗ lực nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nghiêm trọng. Các cửa hàng và hệ thống giao thông công cộng hoạt động lại một phần, nhưng trường học và các quán bar, nhà hàng vẫn đóng cửa.

Chile xếp thứ tám thế giới với 349.800 ca nhiễm và 9.240 ca tử vong, tăng lần lượt 1.877 và 53 ca so với hôm trước. Các trường học, nhà hàng và quán bar tại nước này vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.

Nam Phi đã trở thành vùng dịch thứ năm thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại châu Phi với 459.761 ca nhiễm và 7.257 ca tử vong, tăng lần lượt 7.232 và 190 ca. Giới chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo, đồng thời bày tỏ lo ngại bởi hệ thống y tế yếu kém của các quốc gia tại đây, cũng như nguồn lực kinh tế hạn hẹp.

Nam Phi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới hồi tháng 3, bao gồm đóng cửa trường học, nhà máy, các cửa hàng không thiết yếu và cấm bán rượu, thuốc lá. Các hạn chế được dỡ bỏ hồi tháng 6, nhưng một số đã được khôi phục trong tháng này, như tái đóng cửa trường học và cấm bán rượu.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize hôm 26/7 dự đoán đại dịch tại nước này sẽ đạt đỉnh vào "tháng 7, tháng 8 và tháng 9". Hơn 13.000 nhân viên y tế Nam Phi đã nhiễm nCoV, con số cao kỷ lục.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 150 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 13.504. Số ca nhiễm tăng thêm 5.395, lên 823.515. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Tháng trước, Nga tuyên bố mở cửa lại một phần biên giới, cho phép những người cần làm việc, học tập, điều trị y tế hoặc chăm sóc người thân di chuyển ra nước ngoài. Nước này cũng lên kế hoạch nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 1/8, nhưng danh sách điểm đến ban đầu chỉ bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Tây Ban Nha hiện ghi nhận 327.690 ca nhiễm và 28.436 ca tử vong, tăng lần lượt 1.828 và hai ca. Sau một tháng yên bình, số ca nhiễm nCoV tại nước này tăng vọt khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, với 280 ổ dịch trên cả nước. Vùng Catalonia và Aragon chứng kiến tình trạng gia tăng nghiêm trọng nhất trong vài tuần qua.

Diễn biến đáng lo ngại tại Tây Ban Nha thúc đẩy chính phủ Anh và Đức khuyến cáo công dân tránh tới các hòn đảo và bãi biển của nước này để nghỉ mát, khiến giới chức và người dân Tây Ban Nha tức giận, coi đây là hành động "phân biệt đối xử".

Bất chấp các con số đang gia tăng, chính phủ Tây Ban Nha nói rằng tình hình trong nước đang "trong tầm kiểm soát" và sự gia tăng ca nhiễm mới không phải là "làn sóng thứ hai", đồng thời loại trừ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp mới.

Anh báo cáo thêm 581 ca nhiễm và 119 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 300.692 và 45.878.

Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau "trong trường hợp xấu nhất".

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua cho biết nước này sẽ áp đặt các quy tắc kiểm dịch với những quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng nghiêm trọng. "Tôi lo ngại về những dấu hiệu của làn sóng thứ hai ở các nước khác. Nhiệm vụ của chúng tôi là hành động nhanh chóng và dứt khoát nhằm ngăn du khách trở về từ nơi giác gieo mầm bệnh tại Anh", ông nói.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 235 ca tử vong, con số kỷ lục trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 16.147. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.667, lên tổng cộng 296.273 ca.

Tehran nằm trong số 15/31 tỉnh đang được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ về Covid-19. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari hôm qua cho biết tình hình tại nước này đáng lo ngại, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các hướng dẫn y tế.

Arab Saudi ghi nhận thêm 1.897 ca nhiễm và 29 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 270.831 và 2.789 ca.

Lễ hành hương Hajj ở thánh địa Mecca sẽ được bắt đầu vào hôm nay với quy mô giảm mạnh, chỉ bao gồm khoảng 1.000 người Hồi giáo, trong khi con số hàng năm là khoảng 2,5 triệu tín đồ khắp thế giới. Sự kiện cũng sẽ áp dụng các quy tắc y tế nghiêm ngặt và chỉ dành cho những người hành hương dưới 65 tuổi, không mắc bệnh mạn tính.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 49.622 ca nhiễm và 776 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.532.125 và 34.224. Phần lớn ca nhiễm tập trung tại Mumbai và New Delhi, trong khi lũ lụt khiến gánh nặng đối với Assam và Bihar, hai bang nghèo nhất Ấn Độ, thêm chồng chất.

Trung Quốc báo cáo 101 ca nhiễm nCoV mới, bao gồm ba ca ngoại nhập, và 27 trường hợp nhiễm không triệu chứng, nâng tổng số ca nhiễm lên 84.060, trong đó 4.634 người chết.

Giới chức y tế hôm qua cho biết ổ dịch mới ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bùng phát từ một nhà máy chế biến hải sản, đã lan tới 9 thành phố thuộc 5 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc, bao gồm tỉnh Phúc Kiến ven biển phía đông nam và thủ đô Bắc Kinh.

Giới chức y tế Đại Liên hôm 26/7 cho biết họ sẽ xét nghiệm toàn bộ 6 triệu dân tại thành phố trong vòng 4 ngày. Tính đến hôm 27/7, 1,68 triệu người đã được lấy mẫu. Thành phố đã cấm tụ tập ăn uống và yêu cầu người dân trình mã sức khỏe trên điện thoại trước khi vào nhà hàng.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 102.051 ca nhiễm, tăng 1.748 trường hợp so với hôm trước, trong đó 4.901 người chết, tăng 673 ca.

Con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể do nhiều yếu tố, bao gồm khả năng xét nghiệm hạn chế. Các trường hợp lây nhiễm gần đây ngày càng gia tăng tại những nơi làm việc như văn phòng và nhà máy.

Tổng thống Joko Widodo đã cải tổ ủy ban chống Covid-19 của nước này, nỗ lực vừa tập trung khôi phục nền kinh tế, vừa xử lý cuộc khủng hoảng y tế. "Chúng ta không thể buông xuôi. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế này sẽ không chấm dứt cho đến khi có vaccine được sử dụng hiệu quả", ông phát biểu hôm 27/7.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 83.673 người nhiễm và 1.947 người chết, tăng lần lượt 1.678 và 4 trường hợp trong 24 giờ.

Dù Philippines đã duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt 11 tuần trước khi bắt đầu nới lỏng vào ngày 1/6, số ca nhiếm vẫn không ngừng tăng. Tổng thống Rodrigo Duterte quyết không mở cửa trường học cho đến khi có vaccine, đồng thời cho biết ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ nếu Bắc Kinh đạt đột phá với vaccine Covid-19.

Duterte còn cho rằng người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan nCoV là "tội phạm nghiêm trọng" và có thể bị bỏ tù. Ông đề nghị cảnh sát không do dự khi bắt và đưa người vi phạm tới giam ở đồn để họ "nhận được bài học".

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 51.197 người nhiễm, tăng 359 ca, trong đó 27 người chết. Nước này dự kiến hoàn tất xét nghiệm nCoV với những lao động nhập cư sống trong ký túc xá, đối tượng chiếm phần lớn số ca nhiễm, vào ngày 7/8.

Singapore đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn. Nước này dự kiến nối lại di chuyển với Malaysia cho mục đích chính thức và kinh doanh thiết yếu vào tháng tới, trong khi siết chặt quy định nhập cảnh với người đi từ hay gần đây đến những vùng dịch đang tăng nhiệt trở lại, bao gồm Hong Kong, Nhật và bang Victoria của Australia.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Phát ngôn viên WHO Margaret Harris hôm 27/7 cho biết sự lây lan của nCoV dường như không bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, bởi một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đang ở giữa các mùa khác nhau.

"Tất cả chúng ta cần hiểu rõ rằng đây là một chủng virus mới. Mặc dù là virus đường hô hấp, loại virus mà trước đây có xu hướng tạo ra các làn sóng theo mùa khác nhau, nCoV lại hoạt động kiểu khác", Harris cho hay, nói thêm rằng mọi người nên dựa vào những thực tế được chứng minh về cách ngăn chặn Covid-19, như các biện pháp giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang.

Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)

Nổi bật