Ô nhiễm là bài toán khó giải tại Ấn Độ trong thời gian dài. Theo nghiên cứu của tổ chức IQAir AirVisual năm 2019, có tới 21 thành phố Ấn Độ nằm trong danh sách 30 thành phố có tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới.
New Delhi cũng được xếp là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới và chất lượng không khí tại đây năm 2019 đã đạt đến ngưỡng cao gấp 20 lần mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là “an toàn”. Theo Đại học Chicago, người dân New Delhi có thể sống thêm 10,2 năm nếu chất lượng không khí tại đây đạt mức tiêu chuẩn của WHO.
Và theo báo cáo Thực trạng Không khí toàn cầu 2020, ô nhiễm không khí gây ra cái chết của 1,67 triệu người Ấn Độ trong năm 2019. Trong đó, hơn 100.000 người trong số này là trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Đây là con số cao hơn bất kì nơi nào trên thế giới.
Nghiên cứu do Viện Tác động sức khỏe (HEI) – một tổ chức phi Chính phủ trụ sở tại Mỹ thực hiện cho thấy, hơn một nửa số ca tử vong liên quan tới loại bụi PM2.5 có nguồn gốc từ các hoạt động ngoài xã hội. Các ca tử vong khác có nguyên nhân từ việc sử dụng các nhiên liệu rắn như than củi, gỗ, chất thải động vật trong quá trình đun nấu tại gia đình.
Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí ngoài trời và cả trong nhà đã gây ra nhiều căn bệnh cho người dân Ấn Độ như đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, các bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và cả các bệnh ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra những bằng chứng rõ ràng về sự liên hệ giữa không khí ô nhiễm với việc gia tăng các bệnh liên quan tới tim mạch và phổi. Điều này cũng có nghĩa, ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của Covid-19. Ô nhiễm không khí còn tác động mạnh tới sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh.
Các nhà khoa học chỉ ra nhiều bằng chứng về việc phơi nhiễm không khí ô nhiễm khiến trẻ sinh thiếu cân và sinh non. Các phân tích trong Báo cáo Thực trạng Không khí toàn cầu cho biết, gần 21% số ca tử vong sơ sinh vì các nguyên nhân đều có tác động bởi ô nhiễm không khí tại môi trường xung quanh và ngay trong hộ gia đình.
Cũng theo báo cáo này, trong năm 2019, các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Nepal nằm trong nhóm 10 nước có phơi nhiễm nhiều nhất với bụi mịn PM2.5.
Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)