Hiệp hội Luật sư Môi trường Đài Loan (EJA) cùng một số tổ chức khác của Đài Loan cùng yêu cầu Formosa chịu trách nhiệm xã hội đối với vấn đề cá chết ở Việt Nam.
Lý do là xưởng này không đạt các tiêu chuẩn về an toàn môi trường như lượng nước sử dụng lớn, lượng khí CO2 thải ra nhiều, ô nhiễm không khí, phá hoại sinh thái và ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng hải sản của khu vực lân cận.
Trên trang web chính thức của hiệp hội, ông Chang kêu gọi, người dân Đài Loan không thể làm ngơ trước việc Formosa vì không đáp ứng được yêu cầu cao về an toàn môi trường của Đài Loan mà đem ngành sản xuất ô nhiễm nặng đưa sang nước khác như vậy.
Trưởng hội Luật sư Môi trường cũng bày tỏ, người dân trên hòn đảo này và nhân dân Việt Nam nên sát cánh với nhau, cùng yêu cầu Formosa và China Steel chịu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chủ động làm rõ nguyên nhân ô nhiễm có liên quan đến xưởng thép của họ ở Vũng Áng, Việt Nam hay không.
Một ngư dân người Việt cầm những con cá chết ở miền Trung Việt Nam |
Yêu cầu Formosa không phá hoại sinh thái biển VN
Hiệp hội Luật sư Môi trường cùng Hội Xúc tiến nhân quyền Đài Loan, Liên minh giám sát thực thi công ước Nhân quyền, Cộng đồng Thiên chúa giáo Việt Nam ở Đào Viên (Đài Loan), văn phòng Lao động và phối ngẫu người Việt và một số nghị sĩ cùng đề xuất những yêu cầu dưới đây đối với tập đoàn “Hành tinh đen”.
1) Đảm bảo xưởng thép Hà Tĩnh sẽ không phá hoại sinh thái biển Việt Nam, để người dân Việt Nam có thể tiếp tục sở hữu nước biển sạch và cá sống.
2) Phải chịu trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp, công bố các thông tin liên quan đến sự kiện cá chết và việc người thợ lặn tử vong, như:
· Danh sách 384 tấn hóa chất mà xưởng thép Formosa Vũng Áng nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2015, và độc tính của chúng.
· Quy trình sản xuất và xử lý nước thải của xưởng thép Vũng Áng.
· Các số liệu quan trắc tính từ khi sử dụng đến nay của hệ thống quan trắc nước thải tự động của xưởng thép.
· Các chủng loại và số lượng chất độc hại có trong không khí và nước thải tạo ra từ quá trình sản xuất, cùng với ảnh hưởng của chúng đối với môi trường biển.
3) Nhanh chóng tổ chức nhóm điều tra, cần bao gồm học giả và các nhóm phi chính phủ (NGO), công tâm tiến hành điều tra sự kiện cá chết và công bố kết quả điều qua liên quan.
4) Cục Nghiệp vụ đầu tư, Ủy ban Thẩm định đầu tư Đài Loan cần dựa trên những vấn đề nổi cộm về sự kiện cá chết ở Việt Nam có liên quan đến xưởng thép Formosa Hà Tĩnh, để hướng dẫn các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ra nước ngoài, nên làm tròn trách nhiệm doanh nghiệp, làm “người hàng xóm” tốt. Không được vi phạm các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, lao động và nhân quyền, đồng thời nghiên cứu các phương án cụ thể, hiệu đính các quy định liên quan về xét thẩm đầu tư nước ngoài.
Khói bốc lên từ một nhà máy của Formosa, một trong 10 doanh nghiệp ô nhiễm nhất trên đảo Đài Loan. Ảnh: Getty |
"Thành tích đen" của Formosa có thể cản trở chính sách Nam tiến
Nghị sĩ Wu Kun-yu của đảng cầm quyền Dân chủ Tiến bộ, đồng thời là một học giả về vệ sinh công cộng và an toàn thực phẩm, cũng có cùng quan điểm với các nhà hoạt động môi trường kể trên. Ngoài ra, ông Huang Yi-bi, thuộc Liên minh giám sát thực thi công ước Nhân quyền trong chính sách mới của bà Thái Anh Văn, cũng có ý kiến tương tự.
"Bộ máy lãnh đạo của Đài Loan phải đảm bảo các doanh nghiệp của mình tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cũng như không thể né tránh trách nhiệm giám sát và quản lý đối với doanh nghiệp, nhất là khi China Steel, cổ đông lớn nhất của cơ quan Kinh tế Đài Loan, có liên quan đến vụ việc trên", ông Huang nói.
Formosa từng bị Ethecon (tổ chức Đạo đức kinh tế của Đức) trao giải “Hành tinh đen” năm 2009 do gây ô nhiễm ở nhiều nước trên thế giới. Mới đây, Ethecon cũng đã gửi thư công khai cho Formosa về việc tập đoàn này “đặt mua 300 tấn hóa chất độc hại dùng để tẩy rửa ống nước thải, nhưng không chịu tiết lộ là tẩy rửa chất gì, và sẽ thải ra các chất gì…”.
Ethecon cáo buộc hành vi thương mại của Formosa là “coi thường và xâm hại quy định, trật tự pháp luật, môi trường sinh thái và hòa bình, xã hội quyền và nhân quyền”.
Tập đoàn lớn này “sở dĩ không được xã hội tín nhiệm là vì họ không quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phớt lờ những lo ngại của người dân ở nơi đặt xưởng về ô nhiễm công nghiệp, từ đó mà tự tạo dựng hình ảnh của doanh nghiệp chuyên gây ô nhiễm”, trang Eja.org.tw dẫn lời nghị sĩ Su Chih-fen của đảng cầm quyền Dân chủ Tiến bộ, từng có kinh nghiệm làm việc nhiều lần với Formosa.
Ông Su nhấn mạnh, nếu không thận trọng đối diện với những lo ngại về ô nhiễm của xã hội Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đài Loan, nó sẽ gây nhiều cản trở cho chính sách “Nam tiến” mới của bộ máy lãnh đạo mới.
Theo Hiểu Thư (Zing.vn)