Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/3 có một động thái mạnh tay nhằm vào Moscow khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga để thể hiện sự đoàn kết với các đồng minh châu Âu sau cáo buộc Nga chủ mưu vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ở Anh hồi đầu tháng.
Hành động này gửi đi tín hiệu rõ ràng tới Điện Kremlin rằng dù mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, Mỹ chắc chắn vẫn chọn đứng về phía đồng minh trong trường hợp khủng hoảng bùng phát, theo CNN.
"Đây là thông điệp mà các đồng minh châu Âu sẽ đón nhận nhiệt tình bởi họ đã phải lo lắng quá lâu trước những thông điệp úp mở của Trump về Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy ông có thể mềm mỏng trước Moscow", nhà phân tích quân sự John Kirby, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về sự thay đổi thái độ của Trump với Nga, bởi một thực tế là ông chủ Nhà Trắng không đích thân đưa ra thông báo trục xuất, đồng thời không có bất kỳ bình luận nào về hành động này trên mạng xã hội.
"Tôi muốn nghe đích thân Tổng thống nói về việc trục xuất. Tôi nghĩ như vậy sẽ mạnh mẽ hơn... Nhưng theo tôi, chúng ta không nên quá bận tâm về nó", ông Kirby cho hay. "Đây là một quyết định mang tính hợp tác cao, không chỉ trong nội bộ chính quyền mà còn ở tầm quốc tế".
Bên cạnh đó, ngôn ngữ của người phát ngôn Raj Shah khi đưa ra thông báo trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga khiến không ít người cảm nhận được sự bất nhất trong chính sách của chính quyền Trump đối với Nga dường như chưa biến mất hoàn toàn, chuyên gia đánh giá.
Trong tuyên bố phát đi hôm qua, ông Shah khẳng định cuộc tấn công trên đất Anh buộc Mỹ phải hành động nhưng lưu ý rằng Tổng thống Trump "vẫn muốn hợp tác với Nga". Thông điệp này sẽ truyền tới Tổng thống Putin tín hiệu rằng cánh cửa hợp tác vẫn mở.
Một số nghị sĩ Mỹ từ cả lưỡng đảng ca ngợi hành động quyết liệt này của chính quyền Trump, nhưng không quên thêm rằng họ chỉ coi đó như bước đi đầu tiên.
Thực tế trên cho thấy dù hào hứng với "đòn trừng phạt" được cho là lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh nhắm vào Nga, tâm lý hoài nghi về Tổng thống Trump mới chỉ giảm đi phần nào.
"Quyết định hôm nay gửi tín hiệu quan trọng tới Moscow nhưng cách duy nhất để khiến Tổng thống Putin cùng những thân tín bên cạnh ông ta cảm nhận được hậu quả là trừng phạt họ về mặt tài chính", thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain tuyên bố.
Câu hỏi nổi bật nhất hiện tại là liệu quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của chính quyền Trump có phải dấu hiệu báo trước về một cách tiếp cận mới cứng rắn hơn của Washington đối với Moscow hay không.
Theo nhà bình luận Stephen Collinson và Zachary Cohen từ CNN, dù số nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất cao hơn kỳ vọng, đặt trong bối cảnh hiện nay, hành động này có lẽ chỉ mang đến những tác động hạn chế.
"Đó là điều tốt nhưng tôi không khỏi có cảm giác về cơ hội bị bỏ lỡ. Chúng ta đang dùng những chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh để áp dụng trên một mặt trận mới với Nga", Steve Hall, nhà phân tích an ninh quốc gia, cựu quan chức CIA, nhận xét. "Tôi mong muốn có những ý tưởng sáng tạo hơn từ phía NATO, Mỹ cùng các quốc gia khác".
Theo Collinson và Cohen, bên cạnh việc mang đến cho Tổng thống Trump sự ủng hộ, quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga còn giúp ông chủ Nhà Trắng có được một "vỏ bọc chính trị" hoàn hảo, đặc biệt khi ông không ngừng bị chỉ trích về "thái độ thỏa hiệp" với Moscow.
Những người khác lại xem sự quan tâm của Tổng thống Mỹ dành cho người đồng cấp Nga như bằng chứng về việc chiến dịch tranh cử của ông có thông đồng với người Nga, một cáo buộc mà Nhà Trắng liên tục phủ nhận.
Nga đã phản ứng dữ dội trước quyết định trục xuất nhà ngoại giao được Mỹ và đồng minh châu Âu đưa ra, tuyên bố sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng. "Còn rất ít thứ trong quan hệ Nga - Mỹ sót lại sau quyết định này", đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)