Mặc dù 16 quốc gia trục xuất hoặc tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga để phản ứng lại vụ cựu điệp viên Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh, phát ngôn viên của chính phủ Áo, Peter Launsky-Tieffenthal tuyên bố Vienna sẽ không thực hiện bất cứ biện pháp ở cấp độ quốc gia nào, chúng tôi sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao.
“Lý do cho việc này là chúng tôi dự định giữ các kênh đối thoại cởi mở với nước Nga. Áo là quốc gia trung lập và là cầu nối giữa Đông và Tây. Tuy nhiên chúng tôi ủng hộ quyết định triệu hồi Đại sứ EU ở Matxcơva”, phát ngôn viên Peter Launsky-Tieffenthal cho biết.
Một số quốc gia châu Âu khác vẫn đang hết sức thận trọng trước tuyên bố ngày 26/3. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh cần điều tra kỹ vụ Skripal trước khi đưa ra kết luận: “Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ tới nước Anh và người dân Anh, nhưng đồng thời chúng tôi cần điều tra”.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, từng làm luật sư hình sự, cho biết ông muốn nghe bà Theresa May trình bày trực tiếp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều quốc gia phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga là thủ phạm vụ đầu độc cựu điệp viên Sergeiy Skripal và con gái tại Salisbury, Anh dù cho chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh cho điều này.
Nga phủ nhận cáo buộc nói trên và tuyên bố sẵn sàng tham gia hợp tác điều tra. Mặc dù Matxcơva đề nghị gửi mẫu chất độc được sử dụng trong vụ án này nhưng London từ chối yêu cầu nói trên.
Theo Nguyễn Tiến (Vtc.vn)