Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, hải quân Nga áp dụng triết lý chế tạo các tàu chiến cỡ lớn, đe dọa khả năng hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Triết lý này đang dần thay đổi trong cán cân sức mạnh quân sự ngày nay.
Các tàu sân bay lớp Kiev ra đời ở Liên Xô trong những năm 1970 với tính năng “lai tạp” giữa tàu tuần dương tên lửa hạng nặng và tàu sân bay, trực thăng. Lớp Kiev chính là nền tảng để Liên Xô phát triển tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong những năm 1980 và vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay.
Tàu sân bay Kuznetsov hoàn toàn khác biệt, không giống với bất kỳ một tàu sân bay nào khác trên thế giới. Hải quân Nga phân loại Kuznetsov là tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay (phương Tây vẫn xếp là tàu sân bay) vì nó được trang bị kho vũ khí tầm cỡ khổng lồ, có sức hủy diệt vô cùng khủng khiếp và có thể độc lập tác chiến.
Góc nhìn trên boong tàu sân bay Kuznetsov. |
Đô đốc Kuznetsov được trang bị 24 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn 3K95 Kinzhal. Mỗi bệ phóng có tới 8 tên lửa sẵn sàng chiến đấu, tương đương 192 quả tên lửa, tầm bắn 12 km.
Kết hợp với đó là 8 tổ hợp pháo/tên lửa CIWS Kortis (Kashtan), gồm 8 quả tên lửa 9M311 và 2 pháo nòng xoay 30mm GSh-6-30 mỗi tổ hợp. Ngoài ra, 6 tổ hợp pháo phòng không cực nhanh AK-630 30mm là chốt chặn cuối cùng, đảm bảo tiêu diệt mọi mục tiêu trên bầu trời muốn “tiếp cận” Kuznetsov.
Đô đốc Kuznetsov thậm chí còn đóng vai trò tác chiến chống ngầm với 2 tổ hợp rocket săn ngầm chống ngư lôi RBU-12000 UDAV-1, tầm hoạt động 12 km và tối đa 60 đạn rocket. Gần đây, Mỹ mới bắt đầu nghiên cứu khả năng chống ngầm cho các tàu sân bay.
12 bệ phóng trang bị tên lửa chống hạm P-700 Granit. |
Tất cả các trang thiết bị vũ khí này khá ấn tượng, nhưng mới chỉ dừng lại ở khả năng phòng thủ. “Nắm đấm thép” của tàu sân bay Kuznetsov bao gồm 12 quả tên lửa siêu thanh chống hạm P-700 Granit nằm ngay dưới boong tàu. Tên lửa Granit (NATO gọi là SS-N-19 Shipwreck) có tầm bắn hơn 400 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường.
Loại tên lửa phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh này giúp Đô đốc Kuznetsov tấn công phủ đầu nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước khi tàu chiến Mỹ đưa tàu sân bay Nga vào tầm ngắm. Trên thực tế, các tên lửa Granit có thể phóng theo loạt để tăng cường khả năng tiêu diệt mục tiêu, đạt tốc độ tối đa 3.000 km/giờ.
Ngày nay, tên lửa Granit vẫn là thứ vũ khí đáng gờm mà Mỹ không có loại vũ khí đối trọng. Các tên lửa Granit sau khi rời bệ phóng có thể tự hoạt động và chia sẻ thông tin dữ liệu với nhau. Một tên lửa ở tầm cao hơn sẽ đóng vai trò phân tích và ra lệnh cho nhóm các tên lửa còn lại lao đến mục tiêu hoặc nhiều mục tiêu để đảm bảo khả năng tiêu diệt ở mức cao nhất.
Tên lửa Granit được đưa lên tàu ngầm hạt nhân Oscar. |
Nếu như quả tên lửa dẫn đầu bị đánh chặn thì một tên lửa khác sẽ tự động thay thế. Trên lý thuyết, các hệ thống phòng thủ tầm gần của tàu chiến Mỹ không đủ thời gian để kịp xử lý và đánh chặn khi tên lửa Granit đạt đến tốc độ siêu thanh.
Hạm đội Nga nếu kết hợp đồng thời Đô đốc Kuznetsov, tàu tuần dương hạng nặng Kirov, 5 tàu ngầm hạt nhân Oscar sẽ tạo nên một nhóm chiến đấu đáng gờm với bất kỳ tàu chiến Mỹ nào.
Nếu nhìn từ bên ngoài, Đô đốc Kuznetsov trông giống như tàu sân bay thông thường. Các ống phóng tên lửa cỡ lớn nằm ngay giữa hai đường băng phóng máy bay. Sau khi kích hoạt tên lửa, ống phóng sẽ nhanh chóng đóng lại và “biến mất” khỏi tầm nhìn.
Tàu sân bay Kuznetsov phóng thử tên lửa Granit. |
Đó có lẽ là thiết kế độc đáo nhất mà các kỹ sư Liên Xô từng phát triển thành công. Điều này giúp Đô đốc Kuznetsov đủ khoảng trống để mang theo số máy bay, vũ khí và nhiên liệu tới 30 tấn.
Trong vòng một thập kỷ qua, giới phân tích quân sự phương Tây đồn đoán rằng 12 ống phóng tên lửa Granit có thể sẽ được loại bỏ khỏi tàu sân bay Kuznetsov. Nếu đúng, khu vực phía dưới boong tàu sẽ có thêm chỗ trống cho các máy bay MiG-29KR và trực thăng tấn công KA-52K.
Trong giai đoạn nâng cấp năm 2017-2018, tàu sân bay Kuznetsov có thể được cải tiến, giảm bớt khả năng chiến đấu để tăng cường năng lực theo đúng nghĩa là tàu sân bay.
Chiến đấu cơ Su-33 cất giữ bên trong tàu sân bay Kuznetsov. |
Đáng tiếc rằng trong những năm gần đây, người ta nhớ đến tàu sân bay Nga với vô số trục trặc hơn là một khí tài quân sự đáng gờm. Trong chuyến hành quân qua eo biển Anh mới đây, truyền thông London chế nhạo Đô đốc Kuznetsov tạo ra cột khói đen mù mịt trông như con tàu từ thời cổ xưa.
Mỗi khi ra biển, tàu sân bay Kuznetsov cần đến tàu kéo đề phòng trường hợp trục trặc nồi hơi. Nga có kế hoạch tiếp tục biên chế tàu Kuznetsov trong vòng một thập kỷ tới trước khi Moscow có thể đóng mới các tàu sân bay đầu tiên trong thế kỷ 21.
Hiện tại, thế giới sẽ chú ý dõi theo tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, trong sứ mệnh chiến đấu mới nhất ngoài khơi bờ biển Syria.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)