Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ đến Washington vào ngày 22/5 với một nhiệm vụ quan trọng: đảm bảo cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore trong tháng 6 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Sự kiện lịch sử đang có nguy cơ đổ vỡ khi cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều đang cho thấy sự hoài nghi và lưỡng lự.
Hàn Quốc, vốn lo lắng về các vụ thử nghiệm vũ khí khiêu khích của ông Kim cũng như những cảnh báo đầy tính hiếu chiến của ông Trump, góp phần không nhỏ với vai trò người điều đình trong việc thuyết phục hai cựu thù Chiến tranh Lạnh ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Moon đã cử cố vấn an ninh quốc gia đến Nhà Trắng hồi tháng 3, mang theo lời đề nghị đối thoại từ phía Triều Tiên cũng như viễn cảnh tươi sáng rằng Bình Nhưỡng sẽ tự nguyện chấm dứt chương trình vũ khí.
Ông Trump đã gây bất ngờ cho các vị khách đến từ Hàn Quốc, các phụ tá của ông cũng như toàn thế giới khi chấp nhận tiến hành cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhìn thấy cơ hội "đạt được thỏa thuận" và tránh đối đầu quân sự.
Bình Nhưỡng đang trên đường tiến gần đến mục tiêu phát triển thành công loại đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn đến Mỹ. Đây là điều mà Washington hoàn toàn không thể chấp nhận.
Kể từ đó, hai miền bán đảo Triều Tiên đã có cuộc gặp thượng đỉnh, ông Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng, với cả 2 vai trò giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và ngoại trưởng Mỹ. Ba công dân Mỹ cũng được Triều Tiên trả tự do và cho về nước.
Song sau một vài thắng lợi gắn liền với tên tổng thống Mỹ, thiện chí của Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa giờ đây đang gây ngờ vực nghiêm trọng.
Đầu tháng này, Triều Tiên đã kịch liệt phản đối yêu cầu của Mỹ về việc "đơn phương từ bỏ hạt nhân", hủy bỏ một cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc vào phút cuối để phản đối cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington.
Ông Trump đáp trả bằng cách nói rằng cuộc gặp với ông Kim có thể diễn ra hoặc không.
"Tổng thống đã nói hiện cuộc gặp vẫn đang được xúc tiến. Nếu có thay đổi đó, bạn sẽ được biết", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết hôm 21/5.
"Chúng ta sẽ chờ xem"
Song ông Trump cũng làm ngạc nhiên nhiều người bằng cách cho trước ông Kim một sự bảo đảm an ninh, để ông nắm giữ quyền lực, và ngụ ý rằng sự thay đổi thái độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể là nghe theo lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Rất có thể là ông ấy đã ảnh hưởng đến Kim Jong Un", ông Trump nói, viện dẫn một cuộc gặp gần đây giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều, cuộc gặp thứ hai của họ trong một tháng. "Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì xảy ra".
Các nhà phân tích xem những đề nghị được cho là chậm chạp từ Triều Tiên là bằng chứng về những gì họ lo sợ, rằng Bình Nhưỡng có lẽ đang tạm "rong chơi" với hy vọng các biện pháp trừng phạt và "áp lực tối đa" sẽ được giảm tải, hoặc là bằng chứng cho thấy Hàn Quốc đang cố sức bóp méo triển vọng về việc đạt được thỏa thuận.
"Tình trạng căng thẳng hiện nay cho thấy kỳ vọng của Mỹ và Triều Tiên đang cách nhau rất xa và nguy hiểm", chuyên gia Eric Gomez từ Viện CATO đánh giá.
"Mục tiêu phi hạt nhân hóa không nằm ngoài bàn đàm phán với Triều Tiên, nhưng họ hy vọng Mỹ sẽ chấm dứt cái gọi là 'chính sách thù địch' như là điều kiện tiên quyết để tiến hành phi hạt nhân hóa".
Triều Tiên không nói rõ "chính sách thù địch" đó cụ thể là gì, nhưng có thể bao gồm việc Mỹ phải rút 30.000 quân đang đồn trú trên bán đảo ở Đông Bắc Á.
Ngày 12/6, thời gian dự kiến cho cuộc gặp Trump - Kim, đã rất gần và chẳng có gì rõ ràng về những gì sẽ được thảo luận hoặc những gì sẽ xảy ra nếu đàm phán thất bại. Một số nhà quan sát Hàn Quốc dự đoán sẽ có căng thẳng trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Moon.
"Càng ngày có vẻ như chính quyền Moon đã đánh giá quá mức thiện chí đàm phán của Triều Tiên. Ông Moon có lẽ sẽ bị trách cứ về việc này", giáo sư Robert Kelly của Đại học Quốc gia Pusan nói.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Nhà Xanh nói ông Moon "có thể sẽ nói với ông Trump về những gì nên và không nên kỳ vọng từ ông Kim".
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)