Được biết, tuy Tổng thống Nga Vladimir Putin không có tên trong danh sách những yếu nhân bị rò rỉ thông tin trong cái được gọi là "Hồ sơ Pandora", nhưng một số nhân vật thân cận với ông ở Monaco đã bị "réo tên".
Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/10 nhấn mạnh rằng những thông tin rò rỉ chỉ là "chỉ là tập hợp các tuyên bố chủ yếu không có cơ sở".
Ông Peskov nói: "Chúng tôi không thấy trong số những nhân vật thân cận với Tổng thống Putin có những người sở hữu khối tài sản bí mật, và nói thêm rằng ông không rõ "làm thế nào mà thông tin rò rỉ này được coi là đáng tin cậy".
"Nếu có những ấn phẩm nghiêm túc, dựa trên bằng chứng cụ thể và rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng đọc chúng", ông Peskov cho biết.
Ngoài ra, người phát ngôn của Tổng thống Putin cho biết "Hồ sơ Pandora" chứng tỏ rằng Mỹ là nước có khoảng trống về thuế lớn nhất trên thế giới, bất chấp những tuyên bố chống tham nhũng và rửa tiền.
"Có lẽ điều duy nhất đập vào mắt chúng ta vẫn là một minh chứng về việc quốc gia nào là lỗ hổng công ty hải ngoại và thuế lớn nhất trên thế giới. Tất nhiên đó là Mỹ. Điều này hoàn toàn không giống với với những tuyên bố về ý định chống tham nhũng và trốn thuế, rửa tiền. Nhưng thực tế là như vậy. Chúng tôi thấy rằng đối với toàn thế giới, Mỹ có lỗ hổng thuế quan lớn nhất", - ông Peskov nói.
"Hồ sơ Pandora" là gì?
Hồ sơ Pandora là tên được đặt cho một cuộc điều tra báo chí dựa trên vụ rò rỉ tài liệu mật lớn từ 14 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chuyên thành lập các công ty ở các quốc gia như Panama, British Virgin Isles và Bahamas.
Tại Tây Ban Nha, EL PAÍS và mạng truyền hình La Sexta là đối tác của dự án này, dự án đã có sự hợp tác của hơn 600 nhà báo từ 117 quốc gia dưới sự điều phối của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Các hãng truyền thông khác đã tham gia vào dự án, đây được coi là cuộc hợp tác báo chí lớn nhất trong lịch sử, bao gồm Le Monde (Pháp), The Guardian (Vương quốc Anh), The Washington Post (Hoa Kỳ), L'Espresso (Ý) và La Nación (Argentina), cùng nhiều hãng khác.
Trong gần hai năm, hơn 11,9 triệu tài liệu đã được phân tích, bao gồm tài liệu văn bản, bảng tính, email và hình ảnh. Có giấy chứng nhận thành lập, danh sách cổ đông, hóa đơn, hộ chiếu, hồ sơ du lịch…
Chúng tạo thành một bức tranh tổng thể chưa từng có về mặt tiềm ẩn của tài chính quốc tế và làm sáng tỏ bí mật của các thiên đường thuế và các chuyên gia đóng vai trò cầu nối để tiếp cận các khu vực pháp lý này. Vụ rò rỉ này chỉ ra hơn 27.000 công ty được thành lập từ năm 1971 đến năm 2018 và gần 30.000 người hưởng lợi từ việc đó. Trong số đó, có 751 công ty liên kết với Tây Ban Nha
Theo Bách Tùng (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)