Hôm 3/9, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố 'Hồ sơ Pandora' gồm 11,9 triệu tập tài liệu với dung lượng 2,94 terabyt, trong đó nêu tên hàng loạt nhà lãnh đạo, tỉ phú và người nổi tiếng khắp thế giới lợi dụng các 'thiên đường thuế' để che giấu số tài sản khổng lồ.
Cụ thể, 35 cựu lãnh đạo, đương kim lãnh đạo cùng hơn 330 chính trị gia và quan chức, 130 tỷ phú có tên trong danh sách của Forbes, và những người nổi tiếng, thành viên Hoàng gia và lãnh đạo tôn giáo… trên khắp thế giới đã sử dụng các thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và Quần đảo Cayman để mua và cất giấu tài sản, trốn thuế, thậm chí làm những điều tệ hại hơn.
Cuộc điều tra Hồ sơ Pandora có sự tham gia của 600 nhà báo thuộc các tờ báo lớn như Washington Post, BBC và Guardian, dựa trên những tài liệu rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới. Họ chỉ ra rằng, hãng luật Aleman, Cordero, Galindo & Lee - còn gọi là Alcogal - đã tham gia lập ra các công ty bình phong để chuyển tiền cho nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới. Hãng thậm chí bắt tay với một số nhân vật nằm trong những bê bối tài chính tai tiếng nhất trong thập niên vừa qua.
Trong một báo cáo, ICIJ liệt kê 14.000 thực thể ở Belize, quần đảo Virgin thuộc Anh và Panama đã được tạo ra nhờ sự giúp đỡ của Alcogal, trong nỗ lực giấu tiền cho khoảng 15.000 khách hàng kể từ năm 1996. Điều đáng chú ý là có tới gần 2 triệu trong tổng sổ 11,9 triệu tập tài liệu rò rỉ trong Hồ sơ Pandora liên quan đến Alcogal.
Theo ICIJ, hãng luật này đóng "vai trò hàng đầu về trốn thuế và bảo vệ tài sản".
Trong một thông điệp đăng trên Twitter ngày 4/10, Hiệp hội này viết: "Trong ba thập niên qua, Alcogal đã trở thành thỏi nam châm thu hút những người giàu có và quyền lực từ Mỹ Latinh cùng nhiều nơi khác tìm đến để giấu tài sản ở nước ngoài".
"Các hãng như Alcogal đã thúc đẩy nền kinh tế ngầm, giúp các khách hàng giàu có tìm chỗ cất giấu tiền, nhiều trường hợp để tránh xa con mắt của những người truy thu thuế và điều tra tội phạm", ICJI nhấn mạnh thêm.
Phía Alcogal bác bỏ các cáo buộc nêu trên và cho biết đang xem xét hành động pháp lý để bảo vệ danh tiếng của mình "một cách mạnh mẽ khi cần thiết".
"Alcogal bác bỏ sự phỏng đoán, thiếu chính xác và sai lệch trong Hồ sơ", hãng tuyên bố.
Một số chính trị gia bị nêu trên trong Hồ sơ Pandora cũng đã lên tiếng đáp trả, trong đó có cựu Tổng thống Panama Ricardo Martinelli. Ông khẳng định mình không liên quan bất cứ điều trì trái pháp luật.
Theo giới phân tích, những tiết lộ từ Hồ sơ Pandora có nguy cơ làm tổn hại thêm uy tín của Panama, sau khi hình ảnh đất nước Trung Mỹ này chịu một cú giáng mạnh từ bê bối mang tên Hồ sơ Panama cách đây 5 năm. Các giao dịch tài chính của hàng trăm chính trị gia, tỷ phú và người nổi tiếng đã bị nêu ra trong 11,5 triệu tập tài liệu có dung lượng 2,6 terabyte này.
Chính phủ Panama cho biết đã gửi thư cho ICIJ qua một công ty luật, trong đó mô tả thiệt hại mà đất nước này phải chịu là "không thể khắc phục được". Bức thư còn cảnh báo "bất kỳ ấn phẩm nào" làm tăng thêm "nhận thức sai lầm" rằng Panama là một thiên đường thuế "sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc cho Panama và người dân nước này".
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)