Viện Bambino Gesu đã đưa ra hình minh họa so sánh hai biến thể Omicron và Delta, với các điểm đột biến được đánh dấu bằng màu đỏ. Theo đó, Omicron có nhiều đột biến hơn, đặc biệt ở những vùng tương tác trực tiếp với tế bào của con người.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời một đại diện của bệnh viện này mô tả "đây là một 'bức ảnh' theo nghĩa rất rộng, đó là một mô hình được thực hiện trong phòng thí nghiệm".
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, những thay đổi này cho thấy virus có thể đã trở nên thích nghi tốt với con người. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với những biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 hay không.
Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và sau đó đã được thấy ở nhiều nước, trong đó có Bỉ, Botswana, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.
Trước diễn biến khó lường của biến thể mới, nhiều nước đã áp đặt hạn chế đi lại đối với người từ các quốc gia ở miền nam châu Phi, làm dấy lên lo ngại toàn cầu và gây ra tình trạng bán tống bán tháo trên các thị trường tài chính thế giới.
Hôm qua (27/11), Giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Poonam Khetrapal Singh đã lên tiếng nhắc nhở các quốc gia trong khu vực không nên buông lỏng cảnh giác trong công tác phòng chống đại dịch. Nữ tiến sĩ cho rằng các nước nên đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới thông qua khách quốc tế và đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp.
WHO sẽ mở một phiên họp đặc biệt trong 3 ngày (29/11-1/12) để thảo luận về một hiệp ước chung, trong đó đề ra cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo, mà giới chuyên gia lo ngại chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)