Toàn cảnh cơn địa chấn siêu biến thể Omicron làm đảo lộn thế giới

28/11/2021 18:00:00

Việc phát hiện siêu biến thể Omicron làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng né vaccine, dẫn đến làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại và bán tháo trên thị trường khi các nhà đầu tư sợ rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần hai năm.

Những điều cần biết về siêu biến thể Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi Omicron là biến thể COVID-19 đáng quan tâm mới nhất. Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi hôm 24.11 nhưng cũng đã được tìm thấy ở Bỉ, Botswana, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Italia, Czech và Vương quốc Anh, có nghĩa là biến thể đã lan rộng nhanh chóng.

Toàn cảnh cơn địa chấn siêu biến thể Omicron làm đảo lộn thế giới
Người dân mua sắm ở London ngày Black Friday trong bối cảnh biến thể Omicron đã lây lan tới Anh. Ảnh: AFP

Mặc dù các nhà khoa học sẽ mất vài tuần để hiểu về biến thể Omicron, bao gồm cả tốc độ lây lan và mức độ nghiêm trong khi lây nhiễm, song WHO đã dán nhãn Omicron là “biến thể cần quan tâm”, có nghĩa là nó có thể lây lan nhiều hơn, độc lực hơn hoặc có thể kháng những loại vaccine mà thế giới đã sử dụng.

Thông tin thêm về biến thể mới chắc chắn sẽ xuất hiện trong những ngày và tuần tới, nhưng dưới đây là những gì các chuyên gia đang nói cho đến nay.

Bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể Omicron rất dễ lây lan, có thể nhiều hơn biến thể Delta. Với hơn 30 đột biến trên protein gai, Omicron có thể dễ lây hơn và có nhiều cơ chế hơn để tránh miễn dịch đã được tạo ra bởi vaccine hoặc lây nhiễm trước đó.

Theo Tiến sĩ Angelique Coetzee, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho đến nay, các trường hợp biến thể này chủ yếu xuất hiện ở những người trẻ tuổi, khiến họ kiệt sức và đau nhức cơ thể. “Chúng tôi không nói về những bệnh nhân có thể đến thẳng bệnh viện và nhập viện” - bà nói với BBC.

So với đỉnh đại dịch, các ca bệnh ở Nam Phi hiện nay tương đối thấp. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số ca nhiễm mới: Vào ngày 26.11, Nam Phi đã báo cáo 2.828 ca nhiễm COVID-19 mới, với 90% trong số đó có khả năng do biến thể Omicron gây ra - theo AP.

Theo tạp chí Nature, sự tái nhiễm cũng là mối quan tâm đối với biến thể mới, nhưng ở giai đoạn đầu này, rất khó để biết khả năng tái nhiễm hoặc lây nhiễm đột phá thực sự là như thế nào.

Tiến sĩ Richard Lessells, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, Nam Phi, nói: “Khả năng đột biến khiến chúng tôi lo ngại, nhưng bây giờ chúng tôi cần phải làm việc để hiểu tầm quan trọng của biến thể này và ý nghĩa của nó đối với việc ứng phó với đại dịch".

Tiến sĩ Leana Wen, giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington, nói với CNN rằng, cũng chưa rõ liệu các phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng - và phương pháp điều trị bằng thuốc viên mới của Pfizer và Merck - có hiệu quả đối với biến thể Omicron hay không, cũng như chưa rõ độc lực của biến thể mới, hoặc nó sẽ làm những người bị nhiễm bệnh như thế nào.

Theo WHO, trường hợp biến thể Omicron được biết đến sớm nhất là vào ngày 9.11 và đột biến lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 24.11 tại Nam Phi, nơi có hệ thống phát hiện tiên tiến. Trong khi biến thể Delta vẫn là dòng chiếm ưu thế trên toàn thế giới và chiếm 99,9% các trường hợp ở Mỹ, việc phát hiện ra biến thể Omicron diễn ra trùng hợp với sự gia tăng đột biến ở các ca nhiễm ở Nam Phi - tăng 1.124% trong hai tuần qua, theo New York Times.

Toàn cảnh cơn địa chấn siêu biến thể Omicron làm đảo lộn thế giới - 1
Du khách xếp hàng tại quầy làm thủ tục ở sân bay quốc tế OR Tambo, Johannesburg, Nam Phi, ngày 27.11.2021, sau khi một số quốc gia áp dụng các hạn chế du lịch mới do phát hiện ra biến thể Omicron. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, biến thể có khả năng lây lan rộng hơn nhiều so với Nam Phi, theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci.

Các chính phủ đang làm gì để ngăn chặn biến thể mới?

Ngày 26.11, Tổng thống Joe Biden đã công bố những hạn chế đi lại mới đối với 8 quốc gia Châu Phi gồm: Lesotho, Nam Phi, Eswatini, Namibia, Zimbabwe, Mozambique, Malawi và Botswana, có hiệu lực từ ngày 29.11. Lệnh cấm đi lại có thể giúp chính phủ có thời gian tìm hiểu thêm về biến thể cũng như bảo vệ người dân tốt hơn.

Các quốc gia khác - Anh, Singapore, Israel, Pháp và Đức - cũng đang hạn chế việc đi lại từ các quốc gia ở miền nam Châu Phi trong nỗ lực ngăn chặn biến thể mới, bất chấp những lời chỉ trích từ chính phủ Nam Phi. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27.11 đã công bố các bước mới để ngăn chặn biến thể. Israel cho biết sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và tái áp dụng việc theo dõi sự lây lan của virus.

Toàn cảnh cơn địa chấn siêu biến thể Omicron làm đảo lộn thế giới - 2
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại thị trấn Bhambayi, phía Bắc Durban, Nam Phi. Ảnh: AFP

Người dân nên làm gì?

Tiến sĩ Anthony Fauci nói với tờ New York Times rằng sẽ không thể ngăn chặn sự lây nhiễm siêu biến thể Omicron, nhưng vấn đề là có thể làm chậm nó không?

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng đó là một sự phát triển đáng lo ngại trong đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, nói với PBS: “Chúng tôi đã thấy các biến thể xuất hiện và mất đi, và cứ sau hai tháng, chúng tôi lại nghe về một biến thể. Điều này là đáng lo ngại. Nhưng biến thể mới thì khác. Nó có rất nhiều đặc điểm khiến tôi và nhiều người trong chúng tôi lo ngại”.

Biến thể Delta, dòng virus chiếm ưu thế hiện nay, cho thấy khả năng lây truyền cao và khả năng kháng các kháng thể. Nhưng cũng như với Delta, chìa khóa để hạn chế sự lây lan của Omicron phụ thuộc vào hành vi của con người và mức độ sẵn sàng của mọi người trong việc thực hiện các phản ứng về sức khỏe cộng đồng đã được chứng minh.

Ngăn chặn sự lây lan cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn khả năng xuất hiện các đột biến có hại đối với virus. Các đột biến chắc chắn sẽ xảy ra, và nhiều trong số chúng vô hại đối với con người. Tuy nhiên, virus càng có nhiều cơ hội lây lan, thì càng có nhiều cơ hội đột biến thành một biến thể lây lan nhanh hơn, kháng lại các kháng thể và phương pháp điều trị.

Tuy nhiên, các công cụ hiện có vẫn sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn Omicron - xét nghiệm PCR để phát hiện biến thể. Theo WHO và Francis Collins - giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, “không có dữ liệu tại thời điểm hiện tại cho thấy các loại vaccine hiện tại không có tác dụng với Omicron".

Ngoài ra, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đều là những chiến lược đã được chứng minh để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cũng như tiêm vaccine COVID-19 và tiêm nhắc lại.

Theo Khánh Minh (Lao Động)

Nổi bật