Khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer phòng COVID-19 chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có thể bắt đầu giảm dần sau 2 tháng, nhưng vaccine này vẫn ngăn ngừa nhập viện và tử vong trong ít nhất 6 tháng, theo hai nghiên cứu mới công bố hôm 6/10 trên Tạp chí Y khoa New England.
Những phát hiện này củng cố tuyên bố của hãng dược Pfizer, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Trong những tuần gầy đây, các cơ quan này đã công bố dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiễm coronavirus có thể giảm theo thời gian, nhưng những người được tiêm sẽ tránh được những hệ quả tồi tệ nhất của COVID-19.
Trong nghiên cứu ở Qatar, các nhà nghiên cứu đã ước tính hiệu quả của vaccine Pfizer chống lại nhiễm COVID-19 và chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng, nguy kịch hoặc tử vong trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 5 tháng 9. Họ tiến hành nghiên cứu dựa trên thông tin lấy từ 900.000 người được tiêm vaccine ở Qatar.
Sau liều vaccine Pfizer đầu tiên, khả năng bảo vệ chống lại nhiễm COVID-19 là "không đáng kể" trong 2 tuần đầu tiên. Tuy nhiên, hiệu quả này đã tăng lên khoảng 37% trong tuần thứ ba. Khả năng bảo vệ sau đó đạt mức cao nhất - khoảng 78% - trong tháng đầu tiên sau liều thứ hai.
Hiệu quả giảm dần sau đó, với sự suy giảm nhanh hơn sau tháng thứ tư. Đối với một số người được tiêm, khả năng bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2 giảm xuống thấp nhất là 20% trong khoảng từ 5 đến 7 tháng sau liều thứ hai.
Các nhà nghiên cứu viết: "Những phát hiện này cho thấy một phần lớn dân số được tiêm chủng có thể mất khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm virus trong những tháng tới, điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra các làn sóng dịch bệnh mới".
Hiệu quả chống lại nhiễm COVID-19 có triệu chứng cao hơn hiệu quả chống lại nhiễm COVID-19 không triệu chứng, theo nghiên cứu, nhưng cả hai tỷ lệ này đều giảm dần theo thời gian. Xu hướng này là giống nhau ở các biến thể khác nhau, bao gồm cả các biến thể Beta và Delta.
Hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch và tử vong tăng lên 66% vào tuần thứ ba sau liều đầu tiên và đạt 96% vào hai tháng sau liều thứ hai. Khả năng bảo vệ chống lại nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch và tử vong giữ nguyên ở mức độ này trong khoảng 6 tháng.
Các nhà nghiên cứu viết: "Khả năng bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2 dường như suy yếu nhanh chóng sau khi đạt đỉnh sau liều thứ hai, nhưng khả năng bảo vệ chống lại nhập viện và tử vong vẫn duy trì ở mức độ mạnh mẽ trong sáu tháng sau liều thứ hai".
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà nghiên cứu ở Israel đã xem xét mức kháng thể COVID-19 của hơn 4.800 nhân viên y tế được xét nghiệm thường xuyên sau khi tiêm chủng. Trong số đó, 20 người bị nhiễm trùng đột phá, nghĩa là nhiễm COVID-19 dù đã tiêm chủng đầy đủ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra mức độ kháng thể lưu thông trong máu giảm với tốc độ nhất quán trong vòng 6 tháng. Mức độ kháng thể trung hòa, tương quan với khả năng bảo vệ, giảm nhanh chóng trong 3 tháng đầu nhưng sau đó giảm chậm.
Sáu tháng sau liều thứ hai, các kháng thể trung hòa ở nam giới thấp hơn đáng kể so với nữ giới. Mức kháng thể trung hòa cũng thấp hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ miễn dịch kém.
Mức kháng thể trung hòa cao hơn đáng kể ở những người có chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết vẫn chưa rõ liệu mức độ kháng thể cao hơn có đồng nghĩa với khả năng bảo vệ nhiều hơn hay không. Cũng chưa rõ liệu những người béo phì đã được tiêm vaccine có đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng đột phá cao hơn hay thấp hơn hay không.
Các nhà nghiên cứu viết: "Khi đại dịch tiếp tục phát triển, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của việc xác định các mối tương quan miễn dịch với khả năng bảo vệ sau khi tiêm vaccine. Các chiến lược để kéo dài khả năng miễn dịch của người tiêm cần được đánh giá để bảo vệ quần thể chống lại SARS-CoV-2 và các biến thể của nó".
(Nguồn: Web MD)
Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)