Chiều 30/9 (theo giờ địa phương), Điều phối viên Ứng phó với COVID-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Gayle Smith đã tham gia một buổi họp báo về vấn đề đẩy lùi đại dịch toàn cầu. Tại sự kiện này, phóng viên từ nhiều hãng tin đã tham gia và đặt câu hỏi về vấn đề viện trợ vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ.
Trong đó, phóng viên Carmen Paun đến từ tờ Politico đã hỏi: "Tại sao Mỹ chỉ mua vaccine ngừa COVID-19 để viện trợ mà không mua cả vaccine của các hãng dược khác như Moderna và Johnson&Johnson?".
Trả lời câu hỏi trên, bà Gayle Smith cho biết: "Vâng tôi có thể trả lời câu hỏi này, đó là một câu hỏi rất hay. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo lượng vaccine viện trợ trên quy mô lớn và nhanh nhất có thể. Nhóm chịu trách nhiệm về vấn đề này đã liên kết và có sự tham gia của các nhà sản xuất. Trong đó, Pfizer là công ty có khả năng sản xuất vaccine với quy mô lớn và tốc độ nhanh nhất, đảm bảo nhu cầu của chúng tôi. Chúng tôi cũng nghĩ rằng Pfizer là một loại vaccine tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng là công ty nào có khả năng phân phối số lượng vaccine lớn nhất và nhanh nhất".
Cũng trong buổi họp báo này, phóng viên Lori Hinnant từ hãng tin AP đã đặt câu hỏi về kế hoạch mở rộng tiêm chủng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo đó, bà Smith trả lời: "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng cần phải tăng cường sản xuất vaccine không chỉ đối với đại dịch này mà còn đối với bất kỳ mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nào trong tương lai".
Điều phối viên Ứng phó với COVID-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm: "Chúng tôi đã tiếp cận với vấn đề này theo một số cách. Một là thông qua các khoản đầu tư đã được thực hiện sớm trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua Công ty Phát triển Tài chính (DFC) để tăng sản lượng vaccine càng sớm càng tốt. Hiện nay, DFC, cùng với các đối tác, đã đầu tư vào nhà máy Aspen ở Nam Phi, cho phép nhà máy đó tăng cường sản xuất vaccine Johnson&Johnson. Ở Ấn Độ, Mỹ cũng đã có khoản đầu tư vào một công ty sản xuất vaccine".
Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch dài hạn về việc chuyển giao công nghệ mRNA. Bà Smith cho biết Washington đã đề cập đến nhu cầu tăng cường sản xuất vaccine mRNA trên toàn thế giới và đó sẽ là trọng tâm của một số công việc mà nước này thực hiện sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng tới để mở rộng sản xuất vaccine và cung cấp vaccine hiệu quả toàn cầu.
Được biết, buổi họp báo được tổ chức hơn 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này sẽ tài trợ thêm 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer, nâng tổng số liều vaccine Mỹ đã chia sẻ cho thế giới lên 1,1 tỷ liều.
Theo Minh Hạnh (Nguoiduatin.vn)