"Tôi nghĩ người dân đang chán nản với chính quyền hiện tại. Họ chờ đợi sự đổi thay qua cuộc bầu cử và đảng Cộng hòa phải nhân lãnh trách nhiệm ấy. Song nếu chúng ta là những nhà lãnh đạo của Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội mà nuốt lời thì sẽ có biểu tình, bạo loạn chống đối”, ông Ted Cruz nhấn mạnh.
Tân Tổng thống Trump đang phải đối mặt với thách thức cực lớn từ việc giữ lời hay nuốt lời khi thực thi quyền lực. Ảnh : The Wrap |
Theo Thượng nghị sĩ bang Texas, trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn tuyên bố rằng sẽ bãi bỏ ObamaCare, nhưng vừa qua tân Tổng thống lại khẳng định sẽ giữ lại một phần chương trình hỗ trợ bảo hiểm sức khỏe tốn kém này.
Tổng thống Mỹ đắc cử còn có ý định ký các văn bản liên quan đến việc không cho phép tra tấn các nghi can khủng bố, dù khi tranh cử ông khẳng định sẽ áp dụng những biện pháp tra tấn mạnh hơn biện pháp “trấn nước” - vốn đã bị cấm theo luật pháp Mỹ.
Không những vậy, ông Trump còn tuyên bố sẽ không truy xét vụ bê bối rò rỉ thông tin của đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton, nếu nhóm của bà không tham gia tái kiểm phiếu dù chính ông Trump trước đó đã khẳng định sẽ điều tra đến cùng vụ việc này nếu đắc cử.
Từ trước đến nay, việc nuốt lời hay giữ lời luôn khiến các Tổng thống Mỹ đắc cử phải đối mặt với thách thức cực lớn.
Bài học gần đây nhất mà ông Trump có thể nghiền ngẫm chính là từ người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barak Obama trong việc rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Vì nước Mỹ phải gánh chi phí trong ván cờ Iraq thời hậu Saddam Hussein nên chính quyền Bush bị mất tín nhiệm. Đây chính là cơ hội cho ứng viên đảng Dân chủ Barak Obama khai thác để tạo ra lợi thế cho mình. Việc rút quân khỏi Iraq được ông Obama đưa vào làm một điểm chính trong cương lĩnh tranh cử của mình và cam đoan quân đội Mỹ sẽ được về nhà trong năm 2011.
Ông Obama đã không nuốt lời, cho dù tình hình Iraq lúc đó chưa hoàn toàn thích hợp cho việc triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ khỏi mặt trận này. Song ông Obama không thể làm khác để đảm bảo quyền lực của minh.
Kết quả là sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq một thời gian ngắn thì lực lượng khủng bố dưới tên gọi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nổi lên. Nước Mỹ phải đứng nhìn IS lớn mạnh và có thể lật nhào chính quyền do Mỹ dựng nên tại Bagdad.
Tỷ phú Donald Trump trong quá trình tranh cử đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Clinton là những người khai sinh ra IS. Sự thách thức của khủng bố, trong đó có IS, với an ninh của nước Mỹ được xem là một nguyên nhân khiến bà Hillary thất cử.
Trong khi đó, chương trình tranh cử của ông Trump tập trung vào việc gia tăng lợi ích cho người dân Mỹ, trong đó đặc biệt là hạn chế, thậm chí chấm dứt những chương trình làm hao tổn nước Mỹ, trong đó có chương trình ObamaCare.
Bên cạnh đó là cắt giảm thuế, thay đổi, thậm chí đình chỉ những hiệp định thương mại tư do mà ông cho là những công cụ cướp đoạt lợi ích của nước Mỹ, cướp công ăn việc làm của người dân Mỹ. Tuy nhiên, thực tế những vấn đề ấy không dễ thực hiện, nếu không muốn nói là sẽ phải trả giá nếu triển khai.
Chỉ riêng việc trừng phạt Trung Quốc cũng là lợi bất cập hại với nước Mỹ và quyền lực của ông Trump. Người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi vì hàng giá rẻ của Trung Quốc nên khi ông Trunmp trừng phạt Trung Quốc thì người tiêu dùng mất đi lợi ích to lớn ấy.
Ngoài ra, theo số liệu của IMF thì chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới 70% vào tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ. Như vậy, liệu ông Trump có vì bảo vệ công nghiệp sản xuất nội địa mà làm người tiêu dùng Mỹ tổn hại?
Rõ ràng, để có được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, song những thách thức ấy không là gì so với những thách thức đang chờ đợi ông ở phía trước.
Theo Ngọc Việt (Dân Việt)