Nhà thầu Raytheon đã đạt được tiến bộ lớn trong việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung AIM-120 bằng việc tăng tầm bắn của phiên bản mới nhất lên 160km, cùng cải thiện hệ thống định vị bằng GPS và khả năng đổi hướng. Bất chấp những tiến bộ, AIM-120 vẫn được cho là cần phải thay thế do đang sử dụng nền tảng công nghệ đã có từ 30 năm trước. Chính vì điều này mà Mỹ đã bắt đầu phát triển loại tên lửa không đối không tầm xa có tên mã là LREW từ năm 2014. Theo kế hoạch, hạn chót để hoàn thành phân tích thiết kế và kĩ thuật của LREW đã kết thúc từ năm 2016, tuy nhiên, thông tin về chương trình này vẫn là tối mật. Theo nhiều nguồn tin, quân đội Mỹ đã yêu cầu các nhà phát triển buộc phải trang bị cho LREW động cơ ramjet như tên lửa Meteor của Anh nhằm tăng được tốc độ bay, từ đó cho đối thủ ít thời gian để phản ứng hơn. Yêu cầu thứ 2 đến từ việc trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) lên đầu tên lửa, điều đã từng xuất hiện trên tên lửa AAM-4B của Nhật Bản. Loại tên lửa mới cũng phải có tầm bắn vượt trội hơn hoặc ít nhất bằng với AIM-120, đồng thời lắp vừa khoang chứa vũ khí trong bụng máy bay F-22 và F-35. Các đối thủ tiềm năng của Mỹ như Trung Quốc và Nga đang chạy đua với phương Tây trong việc tạo ra các loại tên lửa cạnh tranh. Những nước này không có nhiều tiêm kích thế hệ 5 có thể sánh bằng với chất lượng của những máy bay Mỹ, nhưng hoàn toàn có thể lấp đầy khoảng trống bằng việc tạo ra những tên lửa đủ khả năng phát hiện và tiêu diệt F-22, F-35. Ví dụ như tên lửa K-77M trên tiêm kích Su-57 của Nga có trang bị radar AESA hay tên lửa PL-12D và PL-21 của Trung Quốc trang bị động cơ ramjet và có tốc độ lên tới Mach 5. Theo Đặng Vũ (An Ninh Thủ Đô)