Chính phủ song song của Myanmar CRPH (đại diện cho Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar) đối lập với chính quyền quân sự hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á này. Hiện CRPH (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw) đang xây dựng căn cứ và tích cực thiết lập liên minh với các lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số kiểm soát vùng biên giới của nước này.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar hậu đảo chính quân sự đã lên một nấc thang mới khi có đến 250 dân thường chết trong các cuộc biểu tình khi đụng độ với lực lượng an ninh nước này và có tới 2.200 người biểu tình khác bị bắt. Đây là những con số lớn nhất cho tới nay tính từ khi quân đội Myanmar nắm trọn quyền bính vào ngày 1/2/2021 và đình chỉ chính quyền dân cử của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Bước ngoặt mới theo hướng vũ trang hóa
Áp lực quốc tế đang gia tăng lên cách thức quân đội Myanmar ứng phó với các cuộc biểu tình (mà trong đó phía an ninh bị tố là đã dùng đạn thật), còn thủ lĩnh phong trào biểu tình đang lui vào bí mật để tránh bị trả thù. Một chính quyền song song đang lặng lẽ hình thành ở những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của các tổ chức vũ trang dân tộc (EAO). Như vậy, các nghị sĩ Myanmar bị phế truất sau cuộc đảo chính hiện đứng trước cơ hội kháng cự bằng sức mạnh vũ trang.
Ngày càng có nhiều các thành viên của Phong trào Bất tuân Dân sự (CDM) chống đối quân đội Myanmar tìm cách tị nạn ở vùng biên giới phía đông của Myanmar, cùng với các EAO – các lực lượng đã có thời gian dài chống lại nhà nước trung ương do quân đội chi phối. Các nhóm vũ trang này bao gồm Kayin, Kayah, Mon, và đặc biệt là Liên minh Quốc gia Karen (KNU).
Các EAO đã công khai tố cáo cuộc đảo chính quân sự cùng Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) mới được quân đội thành lập. Các EAO thi thoảng triển khai quân để bảo vệ quyền của nhóm CDM được biểu tình một cách hòa bình.
Nhóm phiến quân Hội đồng Khôi phục Bang Shan (RCSS) đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp chỗ ở và ủng hộ các nạn nhân của SAC và Tatmadaw (đây là tên gọi của quân đội Myanmar ở nước này).
Ngoài ra còn có Quân đội Độc lập Kachin (KIA) – lực lượng này đã tuyên bố ủng hộ quyền được biểu tình và trong vài tuần gần đây đã đụng độ với quân đội Myanmar (Tatmadaw) tại nhiều khu vực miền bắc nước này.
Trong khi đó, một hội đồng quân sự Myanmar vào hôm 22/3 tuyên bố rằng SAC coi CRPH là một “hiệp hội bất hợp pháp”.
Các nguồn tin của Asia Times ước tính vài trăm người, bao gồm các thủ lĩnh cấp cao của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vừa bị lật đổ và các cảnh sát và quân nhân Myanmar đào tẩu khỏi các căn cứ riêng lẻ, đã đến trú ngụ ở các khu vực do EAO kiểm soát. Các nguồn tin này cho biết thêm, nhiều nhân viên thuộc giới trung lưu cũng tị nạn ở ngoại vi các vùng sắc tộc này và dự kiến sẽ có thêm nhiều người nữa di tản khỏi khu vực đô thị khi bạo lực ở đây gia tăng.
Hiện trên mạng truyền thông xã hội ở Myanmar đang lan truyền thông tin về sự ra đời của Quân đội Liên bang. Lực lượng đối lập đang rất cần các tân binh và nguồn lực.
Một số nhà hoạt động trẻ đang công khai thảo luận về kháng chiến vũ trang, học theo Mặt trận Dân chủ Sinh viên Toàn Miến Điện (ABSDF) sau cuộc nổi dậy năm 1988.
Trong 5 khu vực biên giới quốc tế của Myanmar, chỉ có 2 là có khả năng làm thánh đường cho lực lượng đối lập. Ấn Độ đã tiếp nhận vài trăm người, bao gồm các cảnh sát đào tẩu. Các quan chức bang biên giới Mizoram (của Ấn Độ) đã cam kết không đẩy một ai trở lại.
Khu vực biên giới phía đông với Thái Lan vốn là nơi trú tránh của nhiều phần tử bất đồng chính kiến và phe nổi dậy trong nhiều thập kỷ. Nơi đây từng đặt trụ sở của Liên minh Dân chủ Miến Điện (DAB) trong thập niên 1990. Giới chức Thái Lan đã tuyên bố có kế hoạch dự phòng về việc xây khoảng 20 nơi trú ngụ dọc theo biên giới.
Quá trình liên kết các lực lượng chính trị chống đối
Hiện đang diễn ra các cuộc đàm phán giữa chính quyền song song CRPH và Đội điều phối tiến trình Hòa bình (PSST) đại diện cho 10 nhóm EAO tham gia ký kết Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc (NCA) cũng như các nhóm vũ trang và các chính đảng dân tộc khác.
“Ngoại trưởng” do CRPH bổ nhiệm, Zin Mar Aung, nói với hãng tin Myanmar Now vào hôm 19/3/2021 như sau: “Chúng tôi đang thảo luận cách thức làm việc tập thể trong một tình huống như hiện nay. Chúng tôi đang cố gắng đạt được tiếng nói chung. Vẫn có một số nghi ngại còn tồn đọng từ quá khứ. Chúng tôi đang hợp tác để loại bỏ các nghi ngờ đó và xây dựng lòng tin. Hiện chúng tôi đã bắt đầu dần dần thiết lập một số nền tảng chung”.
Một chính quyền song song “đoàn kết dân tộc” có gốc gác ở các khu vực dân tộc thiểu số có thể sẽ sớm thành hình dưới một dạng thức nào đó. Nhiều người tham gia vào cơ cấu này muốn đạt được một sự hiểu biết nhất định về nhau trước khi kết thúc tháng 3 theo thời gian biểu cho việc thành lập một chính phủ mới chiểu theo Hiến pháp Myanmar sau cuộc bầu cử hồi tháng 12/2020 tại Myanmar mà trong đó phe NLD giành chiến thắng áp đảo.
Một số người gợi ý rằng thay vì tạo ra một cấu trúc chính thức có thể dễ dàng sa lầy vào các đối kháng thời quá khứ thì hãy lập ra một quan hệ đối tác thực sự giữa các bên có chung mục tiêu.
Một mô hình khả thi là mô phỏng Ủy ban Tổng đình công của Các dân tộc – nhóm được thành lập bởi một số công dân năng động và trẻ trung, những người vừa phát động biểu tình trên khắp lãnh thổ Myanmar.
Ở Myanmar, chữ “đoàn kết” thường được dùng đồng nghĩa với sự quy lụy. Nhiều nhóm sắc tộc thiểu số Myanmar có thể lo ngại về viễn cảnh bị tộc người đa số Bamar từ đô thị sơ tán về đây ra mệnh lệnh.
Trên thực tế CRPH gần đây đã loại tất cả các tổ chức EAO ở Myanmar ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố và bất hợp pháp của mình. Đây là một động thái được các nhóm kia hoan nghênh nhưng nhiều nhóm vẫn phân vân vì sao NLD không trao thêm nhiều cử chỉ thiện chí ngay khi họ còn nắm quyền tại Myanmar từ năm 2016-2020.
Thế khó của phong trào vũ trang mới
Trong điều kiện hiện nay, lực lượng đối lập Myanmar khó nổi dậy theo kiểu của phong trào năm 1988. Các nước láng giềng của Myanmar nói chung cũng không muốn nổ ra xung đột ở ngay biên giới của mình.
Nhưng khi có điều kiện thích hợp, một số lực lượng vũ trang có kỷ luật có thể vẫn ra đời. Như Quân đội Arakan (AA) và Quân giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) đều được thành lập vào năm 2009 và cho tới nay đã trở thành hai trong số các EAO đáng sợ nhất.
Một vấn đề đối với các EAO là nguồn cung vũ khí. Nếu các lời kêu gọi cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar mà áp dụng cả lên các EAO thì rõ ràng họ sẽ gặp khó khăn lớn nếu tiếp tục “kháng chiến”. Thị trường vũ khí cầm tay trong vùng khó có thể duy trì được hoạt động của bất cứ nhóm vũ trang mới nào chống lại SAC, đặc biệt là khi điều này vấp phải sự phản đối của Thái Lan và Trung Quốc – hai nhà cung cấp vũ khí chính cho không chỉ Tatmadaw (quân đội chính thức của Myanmar) mà còn rất nhiều EAO nữa.
Trong khi đó, các nhà tài trợ quốc tế lại ưu tiên cung cấp hỗ trợ cho việc kháng cự theo lối hòa bình và dè chừng trước sự hình thành của bất cứ nhóm vũ trang nào mới – điều có thể tiếp lửa cho cuộc chém giết và góp phần củng cố Tatmadaw.
Khủng hoảng ở Myanmar hiện nay cần rất nhiều sự trợ giúp từ khía cạnh nhân đạo. Tuy nhiên nguồn tiền từ Quỹ Hòa bình Chung do các nước phương Tây quyên góp được cho là đang phung phí hàng chục triệu USD khi đi không đúng địa chỉ (trên thực tế là rơi hết vào tay quân đội). Chính vì vậy, phương Tây đang “nghiên cứu” để tái định hướng việc viện trợ. Họ thấy rằng ngoài việc cung cấp lương thực, thuốc men và chỗ ở cho những người gặp khó khăn thì cũng cần cung cấp các hỗ trợ về công cụ liên lạc (trước tiên là quyền truy cập internet và viễn thông) cho các nhà hoạt động dân sự.
Theo Trung Hiếu (Vov.vn)