Các dữ liệu cho thấy tốc độ lây nhiễm tại Israel đang chậm hẳn lại so với thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 1/2021, dù số ca nhiễm trong những ngày gần đây đang phần nào gây lo ngại. Nhưng chưa hết, số lượng người có triệu chứng nặng cũng giảm hẳn - chủ yếu ở độ tuổi trên 60, cũng là nhóm đối tượng được tiêm sớm nhất do có tỉ lệ rủi ro cao.
Loại vaccine được sử dụng tại Israel là của Pfizer/BioNTech, với hiệu quả gần như tương đồng với thử nghiệm lâm sàng - 92% so với 95%.
Tổ chức Y tế Maccabi - một trong số 4 tổ chức y tế (HMO) tại Israel đã theo dõi 163.000 người tiêm đủ 2 liều vaccine. Chỉ 31 trong số đó dương tính với Covid-19, trong khi nhóm không được tiêm có tới 6.500 người nhiễm. Một khảo sát khác do Bộ Y tế Israel tiến hành với quy mô rộng hơn cho thấy, chỉ 537 trường hợp trên tổng cộng 750.000 người được tiêm là dương tính với Covid-19 - chiếm 0,07%. Trong đó có 38 trường hợp phải nhập viện với các triệu chứng từ bình thường tới nghiêm trọng.
Đây là những kết quả thực sự hứa hẹn, nhất là khi thế giới đang dồn hy vọng vào một loại vaccine có khả năng chấm dứt dịch bệnh, trong bối cảnh biến chủng mới đang xuất hiện. "Dù còn thận trọng, nhưng có thể nói phép màu đang xảy ra," - Eran Segal, chuyên gia từ Viện Weizmann nhận định.
Dẫu vậy, giới chuyên gia vẫn tỏ ra cảnh giác rằng vẫn còn con đường rất dài phải đi. Các chuyên gia cho biết số lượng các ca nhiễm nghiêm trọng đang giảm, nhưng tổng số ca nhiễm không biến mất nhanh như vậy. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu sẽ còn thay đổi khi biến chủng mới dần xuất hiện.
Những gì xảy ra tại Israel dường như là một bài học về việc tiêm chủng nhanh có tác dụng như thế nào, nhưng đồng thời cũng là khởi đầu của thách thức mới dành cho chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Phép màu ở quốc gia ít ai ngờ
Chương trình tiêm chủng của Israel bắt đầu từ tháng 12/2020. Kể từ đó, khoảng 1/3 dân số (3 triệu người) đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Pfizer/BioNTech, và 1,8 triệu người được tiêm mũi thứ 2. Với một đất nước chỉ có vỏn vẹn 9 triệu dân, đây là những con số thực sự gây bất ngờ.
Tỉ lệ những người trên 60 tuổi được tiêm thậm chí còn cao hơn. Như với nhóm 70 - 79 tuổi, tới 90% đã được tiêm mũi đầu tiên, 80% nhận được mũi thứ 2. Chương trình tiêm chủng sau đó được mở rộng phạm vi xuống 16 tuổi.
Thành quả này đến từ việc Israel sở hữu hệ thống y tế số khá toàn diện, cho phép họ dễ dàng theo dõi và liên lạc với người dân. Mỗi công dân ở đây đều tham gia vào 1 trong 4 tổ chức HMO, có số định danh riêng, và đều được lưu lại trên hệ thống.
Hệ thống cũng cho phép nhân viên y tế cập nhật tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân, theo dõi tác dụng phụ, và sắp lịch tiêm chủng kế tiếp. Nhiều người Israel cho biết họ được đặt lịch hẹn tiêm mũi thứ 2 khá nhanh, thường là 21 ngày sau khi tiêm mũi đầu.
Một lợi thế không thể phủ nhận còn nằm ở việc Israel là quốc gia khá nhỏ, nên hiệu quả của vaccine có thể được truyền miệng. Dù ưu tiên nhóm trên 60 tuổi và công nhân viên y tế, nhưng chính sách của họ là "không lãng phí". Nghĩa là nếu như còn dư vaccine cấp trong ngày hoặc trong tuần, họ sẵn sàng tiêm nó cho bất kỳ ai, từ nhân viên giao pizza cho đến cô sinh viên đang đứng đợi xe bus.
"Chiến dịch vaccine của chúng tôi được chuẩn bị kỹ, nhưng đồng thời cũng rất linh hoạt," - Hagai Levine, chuyên gia dịch tễ từ ĐH Hebrew chia sẻ. "Khi lên kế hoạch, sẽ có những yếu tố bất chợt xảy ra, đòi hỏi phải thay đổi nhanh chóng. Và chúng tôi lại làm điều đó rất tốt."
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố đến cuối tháng 3, toàn bộ dân số Israel sẽ được tiêm chủng. Đối với giới chuyên gia, điều đó là khả thi nhưng sẽ không đơn giản như vậy.
Cả thế giới cùng trông chờ
Dữ liệu của Israel cho thấy rằng vaccine có hoạt động trên mức độ cá thể, sau đó so sánh với những người chưa được tiêm. Hệ thống y tế của đất nước giúp họ dễ dàng làm được điều đó.
Nhưng không chỉ vậy, hệ thống này còn mang đến một sự hỗ trợ rất lớn cho cuộc đua vaccine trên thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung không đủ, Israel lại dễ dàng tiếp cận vaccine do lời hứa sẽ mang tới dữ liệu nhanh chóng cho Pfizer - nơi hiện vẫn đang phải theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc.
Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định tình hình sẽ dần trở nên phức tạp hơn, nhất là khi tính đến việc đạt được cái gọi là "miễn dịch cộng đồng". Do biến chủng mới xuất hiện, rất có khả năng virus sẽ kháng lại được vaccine. Ở thời điểm hiện tại, các bằng chứng cho thấy vaccine hiện hành có hiệu quả với biến chủng mới, nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai.
Còn nhiều câu hỏi khác nữa. Brian Wahl - chuyên gia dịch tễ từ ĐH Johns Hopkins cho biết ngay cả khi vaccine tỏ ra hiệu quả, họ vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu tác dụng của nó trước khả năng lây lan của dịch bệnh. Hay cụ thể hơn là việc một người được tiêm vaccine liệu có thể lan truyền bệnh hay không.
Một câu hỏi quan trọng nữa thời gian có hiệu lực của vaccine là bao lâu. "Chúng ta cần tiếp tục theo dõi khả năng bảo vệ của vaccine trong vài tháng kế tiếp," - Wahl cho biết.
Thêm nữa, đây vẫn là một loại vaccine mới, nên không phải ai cũng hào hứng với nó. Vẫn có những người mang theo định kiến, ngần ngại tiêm vaccine, và việc để họ chấp nhận tiêm chủng là một thách thức mà Israel cùng nhiều quốc gia khác phải đối mặt.
Ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có những người từ 16 tuổi trở lên là được tiếp cận với vaccine. Các nhà khoa học cũng không thể biết được khi nào trẻ em mới được chấp thuận tiêm chủng. Tất cả những điều này tạo nên một lỗ hổng, nơi một bộ phận người dân không được tiêm và trở thành ổ dịch tiềm năng lan truyền virus. "Khi có 100% dân số được tiêm chủng thì đi một nhẽ. Nhưng nếu không, mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp." - Bruce Rosen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách y tế Smokler tại Viện Myers-JDC-Brookdale (MJB) ở Jerusalem nhận định.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)