Đến định cư ở Hàn Quốc từ 2005, Chris Truter đã thành lập một nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực Nam Phi cho những người đồng hương tại khu phố Itaewon, thuộc trung tâm Seoul. Ngay sau khi kết hôn với người vợ Hàn Quốc anh quyết định sẽ định cư lâu dài tại đất nước này.
Với ý định ban đầu là cung cấp các bữa ăn kiểu gia đình cho một số ít người nhập cư Nam Phi thường bị thiệt thòi ở Hàn Quốc, quán ăn của anh nhanh chóng trở nên nổi tiếng khi bắt đầu thu hút những khách hàng Hàn Quốc ưa khám phá.
“Cửa hàng kinh doanh tốt trong 8 năm, đủ để mở thêm một chi nhánh khác ở Pyeongtaek, tuy nhiên khi đại dịch ập đến chúng tôi đã rất khó khăn thậm chí đã từng nghĩ đến việc nghỉ kinh doanh. Để duy trì hoạt động, tôi đã phải sử dụng hết số tiền tiết kiệm của mình trong 10 năm qua.", anh Truter cho biết.
Tuy nhiên theo thời gian, công việc kinh doanh của người đàn ông Nam Phi cũng dần quay trở lại với sự nhộn nhịp. Và khi anh nghĩ rằng nhà hàng đã bắt đầu phục hồi, thì một thảm kịch bất ngờ xảy ra cách nhà hàng khoảng 290m.
“Không ai muốn đến các hàng quán ở Itaewon nữa, thật kinh khủng. Ai cũng nghĩ về những đứa trẻ đã thiệt mạng, cảm giác thật tệ. Mọi người đến đây để có một khoảng thời gian vui vẻ nhưng các nhà hàng lại ở gần chỗ có người chết nên giờ không ai muốn ăn ở đây nữa”.
Truter là một trong số nhiều chủ cửa hàng ở Itaewon lo ngại vụ việc gần đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp địa phương trong khu vực.
Sa hyun-yong, chủ sở hữu của Big Tom, một cửa hàng quần áo cỡ lớn dành cho nam giới nằm ngay gần địa điểm xảy ra vụ tai nạn, cũng đưa ra những lo ngại tương tự.
“Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là những người ở độ tuổi 20 và 30. Với việc có rất nhiều người chết ngay bên kia cửa hàng, không biết mọi người có muốn mua sắm quần áo ở đây nữa hay không ”, chị Sa nói.
“Tôi cảm thấy như thể có cả khách hàng của mình đã chết ở bên kia đường vậy. Tôi đang nghĩ đến việc giảm thời gian bán hàng vì không có ai đến, và bản thân tôi cũng cảm thấy không khỏe sau vụ đó.” anh nói thêm.
Song Seok-gu, chủ một nhà hàng bánh kếp theo phong cách Hàn Quốc nói rằng thảm kịch có thể sẽ ảnh hưởng đến cửa hàng của anh một cách nặng nề hơn là đợt đại dịch.
“Cửa hàng đã mở cách đây ba năm và phải rất vất vả mới có thể vượt qua đại dịch. Chúng tôi đã phải mang nợ rất nhiều chỉ để duy trì hoạt động kinh doanh. Ngay khi có hy vọng có thể trả nợ thì bây giờ, chúng tôi không biết mình sẽ phải làm gì ”, anh Song nói.
Itaewon, được coi là thánh địa mua sắm và thu hút khách du lịch, với khoảng 2.184 cửa hàng, bao gồm 48,6% doanh nghiệp bán lẻ và 46,3% nhà hàng, quán cà phê, theo khảo sát của Đại học Quốc gia Seoul thực hiện.
Dữ liệu từ Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc cho thấy, các cửa hàng ở Itaewon đã bị thua lỗ nặng nề trong thời kỳ đại dịch, với tỷ lệ trống ở các gian hàng trong các trung tâm mua sắm ở Itaewon tăng lên 28,9% trong quý đầu tiên của năm 2020, so với 19,9% cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu cũng cho thấy thánh địa mua sắm này đã thực sự phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch đã kết thúc. Trong quý 2 năm 2022, Hannam và Itaewon ghi nhận tỷ lệ trống gian hàng thấp nhất ở Seoul - với tỷ lệ trống là 10,8%, theo một báo cáo do công ty tư vấn bất động sản nước ngoài Cushman & Wakefield công bố.
Tuy nhiên sau vụ việc tối 29/10, các chuyên gia cho rằng triển vọng hiện tại của các doanh nghiệp ở Itaewon là vô cùng ảm đạm. Park Hap-su, giáo sư trợ giảng tại trường cao học bất động sản thuộc Đại học Konkuk cho biết: “Khu kinh doanh Itaewon phụ thuộc phần lớn vào lượng người đi bộ để thu lợi nhuận. Do nhu cầu từ các khu phức hợp dân cư, kinh doanh và thương mại tại địa phương thấp, Itaewon chủ yếu tập trung vào những khách đến thăm khu này. Thảm kịch vừa rồi dự kiến làm giảm đáng kể lượng khách ghé thăm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.", ông nói.
QT (Nguoiduatin.vn)