Tuy vậy, giới phân tích cho rằng không có nhiều điểm tương đồng giữa lực lượng chống Taliban hiện nay và cách đây 20 năm.
Ngay cả những người Afghanistan ủng hộ liên minh chống Taliban cũng có những nghi ngờ sâu sắc về khả năng thành công của họ, theo New York Times.
Không giống 20 năm trước, các thủ lĩnh chống Taliban không kiểm soát vùng lãnh thổ mà họ cần để mở đường chi viện thông qua biên giới phía Bắc của Afghanistan. Họ cũng chưa nhận được sự ủng hộ đáng kể nào từ cộng đồng quốc tế.
Lực lượng này có quân số như thế nào và trang thiết bị tốt đến đâu cũng là một câu hỏi mở. Các cựu quan chức Afghanistan cho rằng số chiến binh chống Taliban ở Panjshir hiện chỉ khoảng 2.000 - 2.500, và được cho là không có gì nhiều ngoài những vũ khí tấn công.
Trong khi đó, theo đánh giá của New York Times, các lãnh đạo chống Taliban hiện nay tuy có kinh nghiệm chính trị và quân sự, nhưng chưa có sức hút và khả năng chỉ huy như Ahmad Shah Massoud, thủ lĩnh Liên minh Phương Bắc chống Taliban thời thập niên 1990.
Ông Massoud bị các sát thủ của Al-Qaeda giết hại hai ngày trước vụ khủng bố 11/09.
Tuy vậy, các lãnh đạo của phong trào cho biết mục tiêu trước mắt của họ là thương lượng hiệp định hòa bình với Taliban, thay mặt chính phủ trước đây của Afghanistan, theo cựu phó tổng thống Amrullah Saleh.
Ông Saleh từng là phó tổng thống thứ nhất của Afghanistan cho tới hôm 15/08, thời điểm tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Kabul khi Taliban tiến vào thành phố. Ông Saleh tự xưng là "tổng thống lâm thời", dựa trên Hiến pháp năm 2004 của Afghanistan.
"Chúng tôi đã mất lãnh thổ, nhưng chưa mất tính hợp pháp," ông Saleh nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi, với tư cách là tổng thống lâm thời, người bảo vệ Hiến pháp, không coi tiểu quốc của Taliban là hợp pháp hay quốc gia".
Bên cạnh ông Saleh, một trong những thủ lĩnh ở Panjshir là Ahmad Massoud, con trai Ahmad Shah Massoud, và tướng Yasin Zia, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Afghanistan.
Afghanistan sẽ có "hòa bình và ổn định", "nếu Taliban ở Doha và Pakistan đồng ý một thỏa thuận chấp nhận những gì thế giới yêu cầu," Mohammad Zahir Aghbar, Đại sứ Afghanistan tại Tajikistan và là đồng minh của lực lượng chống Taliban cho biết.
Ông Saleh cho rằng lực lượng chống Taliban tin vào "một quá trình hòa bình thực sự, vốn chưa tồn tại vào lúc này".
"Nếu Taliban sẵn sàng đàm phán có ý nghĩa, chúng tôi sẽ hoan nghênh. Nếu họ muốn chinh phạt bằng quân sự, họ cần đọc lại lịch sử Afghanistan", ông Saleh cho hay.
Địa hình hiểm trở ở Thung lũng Panjshir rất phù hợp cho phòng ngự và phục kích, theo New York Times. Khi người Mỹ tới Afghanistan vào tháng 09/2001, một nhóm của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tới thung lũng Panjshir để thỏa luận đồng minh với Liên minh Phương Bắc tại đây.
Ông Saleh cho biết đã thoát khỏi "hai vụ tấn công và một vụ phục kích" của lính Taliban khi ông di chuyển tới Panjshir hôm 15/08.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)