Một tối đầu tháng 06, Mauricio Javier Romero, cựu binh 20 năm kinh nghiệm của quân đội Colombia, nhận được cuộc gọi từ một đồng đội cũ. Người này muốn tuyển anh vào một công việc “hợp pháp” và “an toàn”, làm việc ở nước ngoài, theo Giovanna, vợ của Romero.
“Người này nói ông ấy sẽ không vướng vào rắc rối,” Giovanna nói, “rằng đó sẽ là cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp, để kiếm tiền - và biết rõ khả năng của chồng tôi, ông ta muốn chồng tôi tham gia vào nhóm”.
Một tháng sau, Romero, 45 tuổi, đã thiệt mạng. Anh là một trong những người bị giết tại Haiti sau vụ ám sát tổng thống Jovenel Moise hồi tuần trước. Anh nằm trong số ít nhất 20 người Colombia được giới chức Haiti xác định là nghi phạm vụ việc.
Ít nhất 18 người Colombia đã bị giới chức Haiti bắt giữ, ít nhất hai người chết. Theo Miami Herald, vẫn còn 5 người đang bỏ trốn.
Nhưng dù thủ tướng lâm thời Claude Joseph và các thành viên nội các Haiti coi nhóm người Colombia là nghi phạm chính trong vụ ám sát tổng thống Moise, vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng về việc họ đóng vai trò như thế nào, theo New York Times.
Cuối ngày 11/07, bí ẩn về vai trò của những người Colombia dần được hé mở khi nhà chức trách Haiti thông báo đã bắt giữ Christian Emmanuel Sanon, 63 tuổi, được xác định có thể là một trong những chủ mưu vụ ám sát.
Sanon được cho là đã thuê một công ty an ninh tư nhân ở Florida, và công ty này tuyển dụng ít nhất một số nghi phạm Colombia.
“Hắn ta tới đây với ý đồ chính trị hồi tháng 06 bằng máy bay riêng và liên lạc với một công ty an ninh tư nhân để tuyển người thực hiện tội ác này,” Leon Charles, Cảnh sát trưởng Quốc gia Haiti cho biết.
Cơ quan công tố Haiti cũng đã bắt đầu điều tra liệu các lực lượng an ninh Haiti có đóng vai trò nào trong vụ ám sát tổng thống Moise hay không. Ngoài ông Moise bị ám sát, phu nhân của ông bị thương nặng, nhưng không ai khác trong tư dinh bị thương.
Trên đường phố Haiti, dư luận vẫn tỏ ra nghi ngờ lập luận của chính phủ. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao nhóm thủ phạm có thể dễ dàng vượt qua tư dinh được các lực lượng an ninh Haiti phòng vệ kỹ lưỡng mà không có ai khác ngoài tổng thống thiệt mạng.
Tại Colombia, người thân của các nghi phạm cho rằng họ tới Haiti để bảo vệ tổng thống, không phải sát hại ông, khiến mọi thứ càng trở nên rối rắm.
“Mauricio sẽ không bao giờ tham gia những nhiệm vụ như vậy,” Giovanna Romero nói. “Kể cả được trả công bao nhiêu đi chăng nữa”.
Quân đội Colombia được huấn luyện và đầu tư bài bản nhất tại Mỹ Latin, với sự giúp đỡ từ Mỹ. Các cựu binh Colombia được nhiều công ty an ninh trên toàn cầu săn đón, đưa họ tới làm việc ở Yemen hay Iraq, với mức lương có thể lên đến 3.000 USD/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người ở quê nhà.
Romero gia nhập quân ngũ từ năm 20 tuổi. Khi giải ngũ vào năm 2019, anh là thượng sĩ nhất đã tham chiến tại nhiều nơi và được gọi là “chuyên gia biệt kích”. Giovanni Romero miêu tả chồng là người rất kỷ luật.
“Nếu làm đúng mọi thứ, cuộc sống vẫn sẽ tốt đẹp,” anh thường nói. Sau khi giải ngũ, anh hòa nhập của sống khá nhanh, dù đôi lúc vẫn nhớ những tháng ngày trong quân đội.
Cuộc gọi anh nhận được hồi đầu tháng 06 là từ bạn anh, Duberney Capador, 40 tuổi, cũng là cựu binh có thời gian huấn luyện cùng các lực lượng đặc biệt. Capador cũng giải ngũ năm 2019 và hiện đang sống trong nông trại gia đình cùng mẹ ở miền Tây Colombia.
Yenny Carolina Capador, em gái anh, cho biết anh rời trang trại và di chuyển tới Haiti hồi tháng 05, sau khi nhận việc trong một công ty an ninh. Hai anh em thường xuyên nói chuyện với nhau, Capador thường nói với em gái rằng đội của anh đang tập luyện, họ tham gia nhiệm vụ bảo vệ một “nhân vật rất quan trọng”.
“Điều tôi chắc chắn 100% là anh tôi không làm những gì họ nói, rằng anh ấy đã làm hại ai đó. Tôi biết anh tôi làm nhiệm vụ bảo vệ ai đó,” cô nói.
Capador gửi cho em gái những bức ảnh anh mặc đồng phục có logo công ty an ninh CTU, trụ sở ở Florida. Giới chức Haiti xác định CTU là công ty mà ông Sanon đã thuê để thực hiện vụ ám sát tổng thống Moise.
Capador sau đó đã cố thuyết phục Romero tham gia nhiệm vụ của mình. Giovanna Romero nói cô và chồng đã bàn về chuyện này vào một đêm tháng 06. Họ nhất trí rằng công việc này là cơ hội tốt để kiếm tiền. Họ phải trả chi phí nhà cửa, chăm sóc hai con, lương hưu của Romero chỉ đủ trang trải những khoảng cơ bản.
“Nếu anh nhận việc, em sẽ hỗ trợ anh như những gì em đã làm suốt 20 năm chúng ta ở bên nhau,” Giovanna nói với chồng.
Hôm 05/06, Romero tới sân bay ở thủ đô Bogota, nơi anh lấy vé máy bay tới Cộng hòa Dominica, nước láng giềng của Haiti. Giovana nói lần cuối cô nói chuyện với anh là hôm 06/07. Anh cho cô biết bản thân và các đồng đội đang bảo vệ người mà anh gọi là “ông chủ”. Anh bị hạn chế truy cập internet từ điện thoại di động, nhưng muốn check-in.
“Anh ổn. Yêu em nhiều. Chúng ta nói chuyện sau nhé,” anh nói gấp gáp, nhưng Giovanna không lo lắng gì.
Ngày hôm sau, Giovanna biết tin tổng thống Haiti bị ám sát, một số người Colombia có thể liên quan. Không thể liên lạc với anh, đầu óc cô bắt đầu quay cuồng.
Ngày 09/07, Bộ Quốc phòng Colombia công bố danh sách 13 công dân nước này liên quan tới vụ việc ở Haiti. Chồng cô có tên trong danh sách.
Bộ Quốc phòng Colombia cũng cho biết hiện đang điều tra bốn công ty mà họ tin rằng đã tuyển người Colombia làm việc ở Haiti.
Không lâu sau, con gái Romero, 20 tuổi, nhận tin nhắn kèm theo video, quay cảnh thi thể một người đàn ông. Dường như đó là cha cô.
“Mẹ, có đúng không phải bố không? Đúng không? Không thể là bố được,” cô gái nói.
Nhưng Romero nhận ra dây chuyền trên thi thể người chết. Đó là chồng cô.
Giới chức Haiti cho biết nhóm thủ phạm đã đột nhập vào tư dinh của tổng thống Moise ở thủ đô Port-au-Prince vào lúc 1 giờ sáng 07/07, xả súng bắn ông và làm phu nhân Martine Moise trọng thương. Nhà chức trách mô tả đây là một vụ ám sát được lên kế hoạch kỹ lưỡng, có sự tham gia của các phần tử nước ngoài nói tiếng Tây Ban Nha.
Video quay được từ các tòa nhà xung quanh và được New York Times thu thập cho thấy nhóm sát thủ hét lớn rằng họ là thành viên của Lực lượng Chống Ma túy Mỹ (DEA). DEA khẳng định cơ quan này không liên quan tới vụ việc.
Chưa rõ vai trò của những người Colombia trong vụ ám sát là như thế nào.
Gần trưa 07/07, Yenny Carolina Capador nói cô nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ anh trai Duberney. Anh nói anh đang gặp nguy hiểm, phải ẩn náu trong một ngôi nhà giữa những làn đạn. Capador nói cô nghe thấy tiếng súng, đồng thời tiết lộ thêm rằng anh trai nói với cô anh đã đến “quá trễ” nên không thể cứu “người quan trọng” mà anh được thuê để bảo vệ.
Giới chức Haiti cho biết ngoài nhóm người Colombia, hai công dân Mỹ gốc Haiti liên quan tới vụ ám sát cũng bị bắt. Các quan chức nước này hiện chưa đưa ra nhiều bằng chứng rằng nhóm nghi phạm có liên quan tới vụ ám sát.
Trong một cuộc phỏng vấn, thẩm phán Clement Noel, người tham gia điều tra, cho biết hai người Mỹ gốc Haiti thừa nhận họ chỉ làm việc với vai trò phiên dịch. Họ gặp những đối tượng khác trong một khách sạn ngoại ô Port-au-Prince để lên kế hoạch vụ tấn công.
Mục tiêu vụ tấn công không phải là ám sát tổng thống Moise, mà chỉ là đưa ông tới Cung điện Quốc gia.
Vài ngày sau vụ ám sát, cựu thượng nghị sĩ Steven Benoit, một nhân vật đối lập tiếng tăm, nói rằng khó lòng tin được những người Colombia là thủ phạm vụ ám sát.
“Câu chuyện có quá nhiều sơ hở. Làm thế nào mà không một cận vệ nào trong dinh tổng thống trúng đạn, thậm chí bị xây xát?”, Benoit đặt câu hỏi.
Benoit cũng tỏ ra nghi ngờ việc vì sao nhóm người Colombia có mặt tại hiện trường vụ ám sát không tìm cách rời khỏi Haiti sau khi tổng thống Moise đã chết. Nhóm người này thay vì bỏ trốn đã ở lại Haiti, sau đó bị giết hoặc bị bắt giữ.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)