Dự đoán bất ngờ từ phía Hàn Quốc
Trong một tuyên bố mới đây, Hàn Quốc cho hay, “Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân và tên lửa đồng thời tìm kiếm một lối thoát. Đối với mục tiêu được công nhận là một quốc gia sở hữu hạt nhân thực sự, Bình Nhưỡng có thể sẽ tìm kiếm các khả năng đàm phán với Mỹ”.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết thêm, Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ nỗ lực cùng Seoul nhằm phục hồi quan hệ giữa hai bên. Bộ này chỉ ra rằng, trong bài phát biểu hôm 1/1 nhân dịp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ngầm ám chỉ những căng thẳng, mâu thuẫn kéo dài suốt 8 tháng tại bán đảo Triều Tiên có thể bắt đầu nguội bớt.
Kể từ khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung và Mỹ triển khai hạm đội tàu sân bay vào hồi tháng Tư, Bình Nhưỡng đã trở thành “tâm chấn” của cuộc khủng hoảng tên lửa vốn có ít dấu hiệu sẽ cải thiện và thậm chí còn dễ bùng phát.
Các nhà lãnh đạo Mỹ đã công khai thảo luận về khả năng hành động quân sự đối với Bình Nhưỡng, nếu họ không ngừng chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Triều Tiên không tiếp nhận lời đề nghị từ phía Mỹ của Ngoại trưởng Rex Tillerson về việc đàm phán. Ở một mức độ nào đó, Bình Nhưỡng khẳng định, họ không ngồi xuống bàn đàm phán cho tới khi chương trình tên lửa của mình có khả năng vươn tới Mỹ.
Do đó, dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hết kiên nhẫn và gọi rằng những cuộc đàm phán như vậy là “tốn thời gian”.
Theo bộ Thống nhất Hàn Quốc, áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự đang khiến Bình Nhưỡng phải vật lộn đối mặt.
“Triều Tiên được dự báo là sẽ tối đa hóa nỗ lực nhằm chống đỡ những lệnh trừng phạt bằng cách huy động tối đa nguồn lực xây dựng kinh tế và thắt lưng buộc bụng”, Bộ trên nói và khẳng định dòng nhập khẩu hàng hóa, giao dịch ngoại tệ ở mức thấp có thể sẽ buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
Vẫn còn "quá sớm"?
Theo bộ Thống nhất Hàn Quốc, một trong những sức ép lớn nhất với Triều Tiên là dầu mỏ và khí đốt, hai mặt hàng Bình Nhưỡng phụ thuộc phần lớn vào lượng xuất khẩu của Trung Quốc – nhưng cho tới nay đã ngừng hoàn toàn.
Giá khí đốt ở Triều Tiên đã liên tục tăng và nay gấp 2 đến 3 lần so với hồi tháng Tư.
Sức ép quân sự đối với Triều Tiên cũng lớn, khi các cuộc tập trận quân sự bởi Hàn Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia liên quan xung quanh bán đảo Triều Tiên diễn ra liên tục.
Trong đó, đáng chú ý là cuộc tập trận Vigilant Ace, một đợt diễn tập không quân quy mô lớn hồi đầu tháng 12 có sự xuất hiện của máy bay ném bom chiến lược Mỹ có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân.
Mỹ và các đồng minh trong khu vực liên tục duy trì tập trận, bất chấp sự phản đối từ phía Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, cho rằng đó là hành động gây hấn.
Vào hôm 20/12 vừa qua, Bình Nhưỡng được cho là đã nói với Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề chính trị Jeffrey Feltman rằng, vẫn “quá sớm” để ngồi về bàn đàm phán với Mỹ.
Theo Danh Tuyên (Nguoiduatin.vn)