Thực hiện được lời hứa và còn hơn thế
Khi năm 2017 đang đi đến những ngày cuối cùng thì nhà lãnh đạo Triều Tiên chứng minh với thế giới đây không chỉ là lời hứa suông mà ông thậm chí còn làm nhiều điều hơn thế.
Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công tên lửa có thể bay gần 13.000 km, đủ sức tấn công bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ; một quả bom nhiệt hạch có sức mạnh gấp 17 lần so với quả bom của Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến II.
Các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên đã khiến cả thế giới nín thở và theo dõi sát sao mọi động thái tại quốc gia Đông Bắc Á này. Tờ Washington Post bình luận, năm 2017 thực sự tràn ngập thành công mỹ mãn đối với lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo nhận xét của nữ tiến sĩ Sue Mi Terry thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, "Ông Kim đã củng cố quyền lực trong đảng Lao động Triều Tiên thành công, hoàn thành 90-95 % chương trình hạt nhân và không chứng kiến những quan điểm bất đồng nghiêm trọng trong xã hội. Đây thực sự là những thành tựu đáng tự hào của nhà lãnh đạo trẻ".
Cách đây 6 năm, nhà lãnh đạo thế hệ 8x đã được cha mình là ông Kim Jong Il trao trách nhiệm nặng nề đứng đầu đất nước. Không ít người lúc đó đã hoài nghi rằng một thanh niên trẻ và thiếu kinh nghiệm như ông Kim Jong Un khó có thể giữ vững ổn định quốc gia. Nhưng trái ngược với những dự báo, ông Kim đã từng bước chứng tỏ bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược, thậm chí còn hơn cả cha và ông nội của mình trước kia.
Sau 25 lần phóng tên lửa trong năm 2017, bao gồm ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và một vụ thử hạt nhân, Triều Tiên có lẽ chỉ còn một nhiệm vụ cần phải hoàn thành trước khi tuyên bố trở thành cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân toàn diện. Đó là chế tạo được thiết bị mang đầu đạn hạt nhân có thể quay lại trên không trung.
"Chỉ cần Triều Tiên vượt qua trở ngại kỹ thuật này thì họ hoàn toàn có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", WaPo dẫn lời bà Terry.
Ngay cả những căng thẳng với tổng thống Mỹ Donald Trump cũng giúp cải thiện danh tiếng và uy tín của lãnh đạo họ Kim trong mắt người dân Triều Tiên. Đây cũng là nhận định của ông Nam Sung-wook, cựu giám đốc cơ quan tư vấn tình báo Hàn Quốc và là chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc.
"Ông Kim Jong Un đã có một năm thành công khi dám trực tiếp đối đầu với ông Trump. Theo người dân Triều Tiên, ông Kim đang làm rất tốt vai trò nhà lãnh đạo đất nước trẻ tuổi và tài ba, sánh ngang với tổng thống Mỹ," ông Nam đánh giá.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017 |
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông Kim vẫn tiếp tục củng cố quyền lực.
Theo ông Ken Gause, chuyên gia về Triều Tiên tại một công ty tư vấn ở bang Virginia (Mỹ), sự thay đổi trong đảng Lao động Triều Tiên thể hiện rõ nét dưới thời ông Kim Jong Un. Ông đã thay thế toàn bộ nhân sự thế hệ trước do cha mình đề bạt bằng những nhân vật do đích thân ông tuyển chọn và có lòng trung thành tuyệt đối với ông.
Cũng theo ông Gause, mặc dù từng bị Tổng thống Trump chỉ trích như một nhân vật hành động liều lĩnh và khó lường, nhưng mọi hành động của ông Kim Jong Un trên thực tế đều được tính toán kỹ lưỡng.
"Ông Kim là một nhà lãnh đạo cứng rắn nhưng rất thực dụng, và đều tính toán kỹ càng trước mọi động thái," Gause khẳng định.
Năm 2018 sẽ ra sao?
Ông Kim Jong Un sẽ hé lộ một số ưu tiên trong bài phát biểu mừng năm mới vào ngày 1/1/2018 tới đây.
"Tôi cho rằng lãnh đạo Kim Jong Un sẽ tuyên bố rằng Triều Tiên đã sẵn sàng chiến đấu chống lại Mỹ và cam kết tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của mình", ông Nam Sung-wook nhận định.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Kim có sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ không? Một số nhà phân tích nói rằng triển vọng về ngoại giao đang được cải thiện khi Triều Tiên đang ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu của chương trình vũ khí, nhưng theo ông Gause, "phi hạt nhân hóa sẽ không phải là điều kiện để bắt đầu đàm phán".
Theo Ngọc Nguyễn (Soha/Thời Đại)