Hàn Quốc tập trung điều tra hành tung đáng ngờ của hai cảnh sát trong thảm họa Itaewon

05/11/2022 10:25:40

Giới chức Hàn Quốc đang tập trung điều tra hành tung của hai sĩ quan cảnh sát cấp cao vào thời điểm xảy ra thảm kịch chen lấn, dẫm đạp khiến hơn 150 người chết ở Itaewon, Seoul hôm 29/10.

Cảnh sát Hàn Quốc hứng chịu chỉ trích từ dư luận sau khi thông tin được công bố cho thấy đã có tới 11 cuộc gọi khẩn cảnh báo về tình trạng nhiều người chen lấn, xô đẩy ở Itaewon vài giờ trước khi xảy ra thảm kịch hôm 29/10.

Cảnh sát nước này sau đó thừa nhận "làm chưa đủ" để ngăn chặn vụ dẫm đạp khiến 156 người thiệt mạng, chủ yếu là thanh thiếu niên.

Hôm 04/11, cảnh sát Hàn Quốc thừa nhận thời điểm thảm họa xảy ra, họ không thể liên lạc với Tổng Ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Yoon Hee-keun do ông này đang ngủ. Ông Yoon khi đó đang công tác tại thành phố Jecheon, cách thủ đô Seoul 120km về phía Nam. Hai tiếng sau khi thảm họa xảy ra, ông Yoon mới được thông báo.

Hàn Quốc tập trung điều tra hành tung đáng ngờ của hai cảnh sát trong thảm họa Itaewon

Lee Im-Jae, cảnh sát trưởng ở Đồn Cảnh sát Yongsan, một trong hai sĩ quan cấp cao đang bị điều tra, đã đến trụ sở làm việc lúc 23 giờ 05 phút, tức là khoảng 50 phút sau khi vụ dẫm đạp xảy ra. Báo cáo trước đó nói rằng ông Lee đã có mặt ở trụ sở ngay sau khi có thông báo về thảm họa.

Kết luận điều tra kể trên làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc vì sao ông Lee mất tới một tiếng rưỡi để tới trụ sở, dù nơi này chỉ cách nhà hàng ông dùng bữa cùng các đồng nghiệp khoảng 2km. Tối hôm đó, ông Lee và các đồng nghiệp đã tới nhà hàng để ăn uống, sau khi đối phó với các cuộc biểu tình diễn ra trên địa bàn quận Yongsan, Yonhap đưa tin.

Một câu hỏi quan trọng khác là vì sao mãi tới 23 giờ 34 phút ông Lee mới báo cáo tình huống khẩn cấp với giám đốc Cơ quan Cảnh sát Đô thị Seoul Kim Kwang-ho. Ông Kim chỉ được thông báo về thảm họa dẫm đạp hơn một tiếng sau khi có những báo cáo đầu tiên, thời điểm đó hàng chục người đã bị "ngưng tim".

Sĩ quan cảnh sát còn lại bị điều tra là Ryu Mi-jin, người phụ trách giám sát tình huống tại Cơ quan Cảnh sát Đô thị Seoul. Ryu bị cáo buộc lơ là trách nhiệm khi không nhận biết tình huống khẩn cấp để thông báo cho giám đốc cảnh sát Seoul, cũng như cho phòng khẩn cấp thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.

Thời điểm thảm họa dẫm đạp xảy ra, Ryu không có mặt tại văn phòng nơi cô làm việc.

Sau khi nhận thấy tình huống khẩn cấp ở Itaewon, Ryu phát cảnh báo tới giám đốc cảnh sát Seoul Kim Kwang-ho lúc 23 giờ 39 phút, và sau đó báo cáo cho phòng khẩn cấp của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc. Tuy vậy, ở thời điểm quan trọng nhất, Ryu vắng mặt tại nơi làm việc.

Một văn phòng giám sát tình huống khẩn cấp thuộc Cơ quan Cảnh sát Đô thị Seoul đóng vai trò then chốt, bởi nơi này tiếp nhận thông tin từ các sở cảnh sát địa phương và báo cáo lên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp cần cảnh sát can thiệp ngay.

Lee và Ryu hiện đã bị đình chỉ công tác, chờ xem xét kỷ luật, Yonhap đưa tin.

Báo cáo điều tra khác được công bố hôm 03/11 cho thấy mọt đơn vị cảnh sát chống bạo loạn thuộc Cơ quan Cảnh sát Đô thị Seoul đã ở trong trạng thái chờ gần Itaewon vào tối 29/10, nhưng không được điều động để hỗ trợ đảm bảo trật tự.

Hôm 04/11, một quan chức cấp cao của bộ nội vụ Hàn Quốc cho biết đường dây nóng phản ứng thảm họa kết nối giữa chính quyền các khu vực và các cơ quan cảnh sát, cứu hỏa và Tuần duyên Hàn Quốc đã không hoạt động đúng cách do thiếu huấn luyện từ trước.

Hồi đầu tuần, đội điều tra đặc biệt đã đột kích vào Cơ quan Cảnh sát Đô thị Seoul, sở cảnh sát Yongsan và sáu văn phòng khác, tịch thu văn bản ghi chép về hoạt động của cảnh sát đêm xảy ra thảm họa.

Đội điều tra đặc biệt hôm 04/11 thông báo 85 nhân chứng, sĩ quan cảnh sát và những người liên quan đã bị thẩm vấn, nhưng hiện chưa ai bị điều tra với tư cách nghi phạm.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)