Nhóm luật sư bào chữa của ông Yoon đã đệ đơn lên Tòa án Quận Trung tâm Seoul yêu cầu hủy bỏ lệnh bắt giữ đối với ông trước thềm phiên tòa xét xử hình sự đầu tiên, ấn định vào ngày 20-2.
Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự Hàn Quốc, tòa án có nghĩa vụ xem xét hủy lệnh bắt giữ khi các căn cứ bắt giữ không còn hiệu lực. Tòa phải đưa ra phản hồi trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
Hãng Yonhap đưa tin ông Yoon bị giam tại Trung tâm Giam giữ Seoul ở TP Uiwang, phía Nam thủ đô Seoul, sau khi bị bắt giữ tại dinh thự ngày 15-1. Ông bị truy tố hôm 26-1 với cáo buộc dẫn đầu một cuộc nổi loạn thông qua việc ban hành lệnh thiết quân luật ngắn hạn vào ngày 3-12-2024.
Cùng ngày 4-2, tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà điều tra cáo buộc ông Yoon đã cố làm tê liệt các phương tiện truyền thông Hàn Quốc bằng cách cắt nguồn cung cấp điện và nước trong thời gian áp dụng thiết quân luật.
Cáo buộc này nằm trong bản cáo trạng dài 101 trang của các công tố viên, được cho là mâu thuẫn với lời khẳng định trước đó của ông Yoon rằng sắc lệnh ngắn ngủi của ông nhằm vạch trần "chế độ độc tài" của quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Bản cáo trạng chỉ rõ ông Yoon chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ (khi đó là ông Lee Sang-min) "phong tỏa" và cắt nguồn cung cấp điện nước cho các tờ báo không tuân thủ, bao gồm Hankyoreh và Kyunghyang, cũng như các đài truyền hình MBC và JTBC.
Chỉ thị này được đưa ra vào nửa đêm ngày 3-12-2024, khoảng 1 giờ rưỡi sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật.
Trong phiên thẩm vấn do Ủy ban Hành chính và An ninh của quốc hội tổ chức vào tháng trước, ông Heo Seok-gon, người phụ trách Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia, khai báo đã nhận được cuộc gọi từ ông Lee Sang-min yêu cầu hợp tác với cảnh sát trong việc cắt điện, nước của một số cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, ông Heo Seok-gon không hành động theo chỉ thị.
Tài liệu cáo trạng bị rò rỉ mô tả sắc lệnh thiết quân luật là "nhằm phá hoại trật tự hiến pháp và phá hủy nền dân chủ tự do".
Ông Choi Jin, giám đốc Viện Lãnh đạo tổng thống, có trụ sở tại Seoul, đánh giá: "Bản cáo trạng dường như có bằng chứng vững chắc chứng thực các cáo buộc nổi loạn".
Bản cáo trạng cáo buộc ông Yoon "gây ra bạo loạn", huy động 1.605 binh lính có vũ trang và khoảng 3.790 cảnh sát để giành quyền kiểm soát Quốc hội và Ủy ban Bầu cử Quốc gia. Ngoài ra, bản cáo trạng khẳng định ông Yoon nhiều lần ra lệnh cản trở nỗ lực của quốc hội nhằm dỡ bỏ thiết quân luật.
Trong khi đó, giáo sư Lee Jun-han, nhà khoa học chính trị tại Trường Đại học Quốc gia Incheon, nhận định: "Đây là hành động lên án nghiêm trọng đối với ông Yoon, vì bản cáo trạng cho thấy ông ấy đã tìm cách làm cho các phương tiện truyền thông ủng hộ phe đối lập im lặng trong khi thực thi thiết quân luật. Ông Yoon cũng bị cáo buộc có mục đích hình thành chế độ độc tài bằng cách khuất phục không chỉ quốc hội mà còn cả phương tiện truyền thông".
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)