Quân đội Hàn Quốc ngày 15/11 mời một nhóm phóng viên tới chứng kiến sự kiện đánh sập trạm gác tại thị trấn biên giới Cheorwon, AP đưa tin. Phóng viên đứng xem từ khoảng cách vài trăm mét trong lúc khói đen bốc lên bao trùm cả vùng đồi. Sau đó, họ được cho phép tiến tới gần hơn để theo dõi các binh sĩ và công nhân san phẳng một trạm gác khác bằng xe ủi.
Triều Tiên và Hàn Quốc tuần trước hoàn thành việc rút binh sĩ và hỏa lực khỏi một số trạm gác dọc biên giới trước khi chúng bị phá hủy. Những hành động trên là một phần trong thỏa thuận được ký hồi tháng 9 tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hàn Quốc chủ yếu sử dụng các thiết bị thi công công trình để phá hủy những trạm gác vì lý do môi trường và an toàn. Tuy nhiên, họ phải dùng đến thuốc nổ đối với trạm gác ở Cheorwon bởi nó nằm trên một ngọn đồi cao, máy móc khó tiếp cận, theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Các trạm gác bị phá hủy đều nằm trong Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) rộng 4 km, trải dài 248 km.
Seoul và Bình Nhưỡng đã đồng ý dỡ bỏ hoặc rút hết khí tài tại 11 trạm gác trong tháng 11, trước khi cùng xác minh chung vào tháng sau. Trong khu vực DMZ, Hàn Quốc hiện có 60 tiền đồn với binh sĩ canh gác và được hàng rào thép bao quanh. Ước tính, phía Triều Tiên có 160 trạm.
Dưới thời Tổng thống Moon, Hàn Quốc theo đuổi chính sách thân thiện với Triều Tiên. Song đồng minh của họ là Mỹ lại luôn khẳng định phải duy trì áp lực cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Tại hội nghị thượng đỉnh lần ba diễn ra tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9, lãnh đạo Hàn - Triều đã thống nhất giảm căng thẳng dọc biên giới.
Trên thực tế, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, quan hệ hai miền đã được cải thiện đáng kể trong năm nay khi Moon và Kim thực hiện hàng loạt các bước hòa giải đầy thiện chí.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)