Nội các Hàn Quốc dự tính phê chuẩn thỏa thuận Thượng đỉnh liên Triều

23/10/2018 10:10:04

Ngày 23/10, nội các Hàn Quốc lên kế hoạch thông qua thỏa thuận đạt được với Triều Tiên trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.

Ngày 23/10, nội các Hàn Quốc lên kế hoạch thông qua một thỏa thuận hòa bình bao gồm nhiều vấn đề đã đạt được với Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 hồi tháng 9/2018 giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong một bước đi mang tính thủ tục cần thiết trước khi ông Moon ký duyệt thỏa thuận này.

Nội các Hàn Quốc dự tính phê chuẩn thỏa thuận Thượng đỉnh liên Triều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP

Động thái này diễn ra sau khi Cơ quan lập pháp của chính phủ Hàn Quốc kết luận rằng Tuyên bố chung Bình Nhưỡng không cần sự thông qua của Quốc hội bởi vì tuyên bố Bàn Môn Điếm đạt được hồi tháng 4/2018 trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất giữa ông Moon và ông Kim đã trải qua các quy trình thông qua của Quốc hội.

Nội các Hàn Quốc cũng sẽ thông qua một thỏa thuận quân sự riêng đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 9/2018.

Sau khi hai thỏa thuận này được Nội các thông qua, chúng sẽ được chuyển tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để ký duyệt.

Tuyên bố Bàn Môn Điếm hồi tháng 4/2018 bao gồm một loạt các thỏa thuận nhằm chấm dứt "tất cả các hành động thù địch" lẫn nhau giữa 2 quốc gia, thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường các hoạt động trao đổi xuyên biên giới và theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố Bình Nhưỡng là sự bổ sung vào thỏa thuận tháng 4/2018 và kêu gọi  hai bên thúc đẩy một loạt các dự án hợp tác kinh tế và các vấn đề nhân đạo cũng như các cuộc trao đổi giữa hai bên. Tuyên bố này cũng bao gồm cam kết của Triều Tiên trong việc thực hiện các bước đi cụ thể đối với tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ngoài ra, thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên kêu gọi dừng tất cả các hành động thù địch lẫn nhau cũng như giảm tình trạng căng thẳng quân sự và ngăn chặn các xung đột phát sinh như việc nghi ngờ các cuộc tập trận quân sự gần biên giới trên đất liền và trên biển giữa hai bên.

Chính phủ đã đệ trình một bản kiến nghị yêu cầu Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận hồi tháng 4/2018. Tuy nhiên, một số đảng đối lập có những quan điểm tiêu cực về yêu cầu này, nói rằng không có các tính toán chi tiết để thực hiện thỏa thuận.

Theo Kiều Anh (Vov.vn)