Hai quốc gia Đông Nam Á đối mặt nguy cơ bị COVID-19 ‘vùi dập’ giống Ấn Độ

08/05/2021 09:58:15

Các chuyên gia cảnh báo rằng vài tuần nữa sau 1 lễ hội tôn giáo lớn, số ca mắc COVID-19 ở hai quốc gia này sẽ gia tăng giống như ở Ấn Độ.

Trang SCMP vừa đăng một bài viết cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 giống Ấn Độ ở hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia.

Nguy cơ dịch bùng phát sau mùa lễ hội

Theo SCMP, Indonesia và Malaysia đang tiến gần đến lễ hội tôn giáo Eid ul-Fitr – dịp mà hàng triệu người Hồi giáo ở Indonesia kỷ niệm sự kết thúc của tháng Ramadan bằng cách di chuyển về quê hương của họ, một truyền thống được gọi là mudik.

Lễ hội Eid ul-Fitr, được gọi là Hari Raya ở Indonesia, rơi vào ngày 13 và 14 tháng 5 năm nay. Mới đây, hàng nghìn người dân Pakistan cũng đã tham dự một lễ diễu hành tôn giáo, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Các nhà chức trách Indonesia đã cố gắng ngăn chặn hoạt động đi lại của người dân trong năm nay bằng cách áp đặt lệnh cấm đi lại trong nước kéo dài 12 ngày, trong và sau Eid.

Trong khi đó, Malaysia ban hành lệnh cấm đi lại giữa các bang, kéo dài cho đến một tháng sau lễ hội Eid. Nước này cũng đang đóng cửa một phần Kuala Lumpur, kéo dài đến ngày 20 tháng 5, trong đó chỉ các doanh nghiệp thiết yếu mới được phép hoạt động và các nhà hàng sẽ chỉ được phục vụ mang về.

Hai quốc gia Đông Nam Á đối mặt nguy cơ bị COVID-19 ‘vùi dập’ giống Ấn Độ
Người Hồi giáo cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta trong tuần đầu tiên của tháng Ramadan. Ảnh: DPA

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại lệnh cấm di chuyển ở Indonesia và Malaysia sẽ không thể ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc COVID-19, theo SCMP. Một chuyên gia thậm chí còn cảnh báo rằng một đợt bùng phát kiểu Ấn Độ có thể xảy ra.

Sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới, tốc độ tiêm chủng chậm chạp và sự lơ là trong phòng chống dịch bệnh có thể khiến Indonesia và Malaysia đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch trong những tuần sau lễ hội.

 

Indonesia hiện đang ghi nhận trung bình hơn 5.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, trong khi Malaysia ghi nhận khoảng một nửa con số đó. Trong khi số ca mắc một ngày cao nhất của Indonesia, 14.518, được ghi nhận vào ngày 30 tháng 1, các nhà chức trách nước này lo ngại số ca mắc có thể tăng vọt trở lại khi các biến thể mới dễ lây lan hơn xuất hiện.

Việc thực thi lệnh cấm di chuyển vào thời điểm này không hề đơn giản. Khoảng 87% trong số dân số 270 triệu của Indonesia theo đạo Hồi. Đối với nhiều người ở các thành phố lớn, lễ hội Eid là cơ hội duy nhất để về quê gặp gia đình, khiến đây trở thành mùa lễ hội lớn nhất và bận rộn nhất của đất nước này.

Năm 2019, hơn 18 triệu người Indonesia đã thực hiện mudik. Các nhà chức trách cũng đã cấm di chuyển trong khoảng thời gian này năm 2020, và kết quả là có nhiều ý kiến trái chiều và nhiều báo cáo về việc người dân vi phạm quy định.

Hai quốc gia Đông Nam Á đối mặt nguy cơ bị COVID-19 ‘vùi dập’ giống Ấn Độ - 1
Du khách tại sân bay Soekarno-Hatta ở Indonesia chuẩn bị về quê trước lễ hội Eid, một hoạt động được người dân địa phương gọi là ‘mudik’. Ảnh: Reuters

Năm nay, người dân dự kiến vẫn sẽ tìm cách về quê, bất chấp lệnh cấm. Theo quy định, người dân muốn di chuyển cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và các tài liệu cho biết mục đích du lịch của họ.

Mới đây, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một người phụ nữ Indonesia đang khóc lóc và cầu xin một cảnh sát giao thông ở tỉnh Banten để được phép tiếp tục hành trình đến Lampung ở đảo Sumatra. Đoạn video cho thấy người phụ nữ giải thích rằng cô mới bị mất việc và hết tiền. Cảnh sát đã để cô tiếp tục hành trình.

Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho thấy 18 triệu người vẫn lên kế hoạch thực hiện mudik trong năm nay.

Trong tuần qua, hơn 642.000 người đã rời Khu vực Đại đô thị Jakarta bằng đường bộ, phà hoặc tàu hỏa, theo số liệu chính thức.

Cảnh sát đã tăng cường hoạt động bằng cách triển khai 155.000 nhân viên đến 333 trạm kiểm soát, nằm rải rác từ Sumatra đến Bali.

Cảnh báo lo ngại từ chuyên gia

Truyền thống mudik làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng chuyên gia y tế, những người cảnh báo rằng Indonesia có thể đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 vài tuần sau Eid. Họ nói rằng vấn đề không chỉ nằm ở những người sẵn sàng vi phạm quy định, mà còn với nhiều người về quê sớm hơn bình thường.

"Năm ngoái, kỳ nghỉ Eid đã góp phần làm tăng 10-20% số ca nhiễm virus corona", Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Úc, cho biết. "Đây là một thực tế khoa học không thể tranh cãi: Khi một số lượng lớn người di chuyển, điều này sẽ làm trầm trọng thêm đại dịch".

Hai quốc gia Đông Nam Á đối mặt nguy cơ bị COVID-19 ‘vùi dập’ giống Ấn Độ - 2
Một người đàn ông được tiêm vắc xin COVID-19 ở Kuta, Bali, Indonesia. Ảnh: EPA

"Các biến thể mới cũng đã được phát hiện ở Indonesia. Những chủng này dễ lây lan hơn và có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin hoặc kháng thể của người dân. Điều đó có nghĩa là những người đã mắc Covid-19 trước đó có thể bị tái nhiễm. Đây là lý do tại sao mudik vẫn còn nhiều rủi ro trong năm nay ", Budiman nói thêm.

Các biến thể dễ lây lan hơn, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, Nam Phi và Anh, đã được phát hiện ở cả Indonesia và Malaysia.

Hermawan Saputra, từ Hiệp hội Y tế Công cộng Indonesia, cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ bị quá tải nếu các ca bệnh tăng từ 30 đến 50%.

 

Hermawan cho biết thêm: Sự kết hợp giữa chủ quan, việc thực thi lỏng lẻo và sự không phối hợp các quy định giữa các cơ quan chính phủ có nghĩa là Indonesia có thể phải đối mặt với một đợt bùng phát tương tự Ấn Độ.

Một số chuyên gia cho rằng làn sóng lây nhiễm hiện đang quét qua Ấn Độ là do chính phủ nước này cho phép tổ chức các lễ hội và các cuộc vận động chính trị khi nghĩ rằng điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua.

Các nhà dịch tễ học cũng cảnh báo rằng Malaysia có thể ghi nhận số ca mắc tăng vọt lên 50.000/ngày, từ khoảng 30.000 hiện tại, sau lễ hội Eid.

Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Malina Osman từ Đại học Putra Malaysia nói với The New Straits Times: "Tụ họp xã hội tại các cơ sở tư nhân hoặc ở các vùng nông thôn rất khó giám sát trừ khi cộng đồng địa phương chủ động ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm".

Trong khi Indonesia là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, các chuyên gia cảnh báo nước này không nên nới lỏng các biện pháp an toàn vì việc triển khai diễn ra chậm hơn dự kiến. Tính đến ngày 6/5, chỉ có khoảng 8 triệu người được tiêm 2 liều vắc xin, chủ yếu là vắc xin Sinovac của Trung Quốc.

Tính đến tuần trước, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã nhận được gần 74 triệu liều vắc xin – trong đó 65 triệu liều Sinovac, còn lại là AstraZeneca hoặc Sinopharm.

"Vắc xin vẫn chưa có tác động lớn trong việc giúp chúng ta kiểm soát đại dịch. Từ mục tiêu ban đầu là tiêm cho 40 triệu người, đến nay chỉ có 8 triệu người được tiêm hai liều", Hermawan nói.

"Con số này là quá ít ở đất nước 270 triệu dân, đặc biệt là khi hàng chục triệu người đã di chuyển trong tuần này để thực hiện mudik".

Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)