Tình hình dịch COVID-19 ở Ấn Độ chưa hề có dấu hiệu giảm đi với số người nhiễm và chết cao ngất mỗi ngày. Không chỉ người dân Ấn Độ, hàng loạt nhân viên sứ quán các nước cũng không tránh được trở thành nạn nhân, báo South China Morning Post ngày 5-5 báo động.
Điều đáng ngại là trong bối cảnh người dân Ấn Độ bận rộn gõ cửa khắp nơi tìm sự chăm sóc y tế cho người thân cũng như lo thiêu xác người chết, các nhà ngoại giao nước ngoài phải tự thân vận động để sống sót qua đợt dịch kinh hoàng ngày, theo South China Morning Post.
Hàng loạt nhân viên ngoại giao nước ngoài chết, nhiễm
Tuần trước, một nhà ngoại giao cấp cao Tanzania ở New Delhi chết vì COVID-19 sau khi không được nhận vào bệnh viện TP vì bệnh viện quá tải và việc điều trị khẩn cấp ở một bệnh viện quân đội đã không thể cứu được ông.
Tháng trước, ông Faiq Hamza - vị tổng lãnh sự Palestine 63 tuổi chết vì COVID-19 sau 14 ngày điều trị tại bệnh viện. Hiện còn 3 nhân viên ngoại giao và người thân của họ trong đó có 2 trẻ em đang bị nhiễm.
"Một số nhân viên có thể quay về Palestine sau khi hồi phục hoàn toàn trong vài ngày tới" - cố vấn truyền thông của Đại sứ quán Palestine, ông Abd Elrazeg Abu Jazer nói.
Vài ngày trước, ông Jazer và vợ nhiễm COVID-19. Cả hai tìm đến bác sĩ một bệnh viện tư và được kê đơn thuốc điều trị.
Phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Ấn Độ (1 đại sứ quán và 7 lãnh sự quán) cũng mất hai nhân viên vì COVID-19, hơn 100 người bị nhiễm, theo đài CNN.
Đại sứ Afghanistan - ông Farid Mamundzay cho biết tại đại sứ quán có một số nhân viên bị nhiễm, hiện nhiều nhân viên có lo lắng về tình hình dịch bệnh nhưng đại sứ quán không có kế hoạch cho nhân viên về nước lúc này.
Ông Shaban Mahmood, người phụ trách phát ngôn phái đoàn ngoại giao Bangladesh tại New Delhi cho biết 4 ngày trước đại sứ quán đã can thiệp để vợ một tuỳ viên quốc phòng nhiễm COVID-19 được nhập vào một bệnh viện tư điều trị.
"Hai tuần trước, Đại diện ngoại giao Muhammad Imran đã đích thân liên hệ với 4 bệnh viện tư cao cấp tại Delhi để đảm bảo các nhân viên có thể được nhận vào chăm sóc một khi xảy ra tình trạng khẩn cấp" - ông Mahmood cho biết.
Cơ quan ngoại giao một quốc gia Trung Đông đã rút gần hết nhân viên ngoại giao khỏi Ấn Độ 10 ngày trước, chỉ để lại một người ở Delhi. Người này đề nghị được giấu tên và cho biết làm thế “đơn giản” hơn nhiều so với việc để người ở lại thủ đô Ấn Độ lúc này.
Báo The Hindu ghi nhận tình trạng các đại sứ quán Singapore, Thái Lan, và cả Việt Nam có nhiều nhân viên ngoại giao nhiễm.
Ngày 3-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết có 7 nhân viên sứ quán (người địa phương) nhiễm và nghi nhiễm COVID-19.
“Một người bị nguy kịch nhưng giờ đã ổn định” – người phát ngôn này cho biết.
Ấn Độ nói hỗ trợ hết sức
Những ngày qua nhiều nhà ngoại giao Philippines và New Zealand viết lên mạng xã hội cầu cứu xin được hỗ trợ oxy.
Tuần trước đảng đối lập Quốc đại có đưa lên mạng một video mình cung cấp bình oxy cho đại sứ quán Philippines. Ngoại trưởng S. Jaishankar đã chỉ trích đảng này đã lợi dụng tình hình để quảng bá rẻ tiền. Ông S. Jaishankar nói Bộ Ngoại giao đã làm việc với đại sứ quán Philippines và chuyện đảng Quốc đại cung cấp oxy là không cần thiết vì cơ quan ngoại giao này không có người nhiễm nào.
Đảng Quốc đại phản hồi lại rằng mình chỉ đáp lại lời khẩn cầu của đại sứ quán Philippines mà thôi.
Cơ quan ngoại giao New Zealand có viết lên Twitter xin được cung cấp oxy và có đính tên một nhân vật cấp cao trong đảng Quốc đại vào dòng khẩn cầu của mình. Tuy nhiên sau đó cơ quan ngoại giao New Zealand xóa dòng trạng thái này vì cho là đã gây hiểu lầm. Tuy thế đại diện đảng Quốc đại cũng gửi oxy đến đại sứ quán New Zealand.
Trong khi đó, ngày 2-5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết mình giữ liên lạc tốt với các đại sứ quán nước ngoài và sẽ đáp ứng nhu cầu y tế của các cơ quan này.
Đại sứ Afghanistan - ông Farid Mamundzay cũng cho biết có phần an tâm là Bộ Ngoại giao Ấn Độ cung cấp đủ oxy y tế và thuốc men cho nhân viên sứ quán bị nhiễm COVID-19.
Theo Giáo sư Ashok Swain chuyên nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại ĐH Uppsala (Thụy Điển), trong những sự cố cấp bách trước đây, chính phủ Ấn Độ luôn ưu tiên các khu vực ngoại giao ở thủ đô, từ bảo vệ an ninh cho tới cung cấp tiện nghi cơ bản.
Theo ông, "hoàn toàn không thể nghĩ ra chuyện các đại sứ quán nước ngoài phải khẩn cầu công chúng và phe đối lập để được cung cấp các như cầu y tế cơ bản".
Ngày 3-5, trang tin Scroll (Ấn Độ) cho biết trong 5 ngày trước đó có 25 chuyến bay chở 300 tấn hàng cứu trợ nước ngoài trong đó có oxy y tế và máy thở oxy cùng nhiều loại thiết bị y tế quan trọng khác về tới Ấn Độ.
Theo Đăng Khoa (Pháp luật TPHCM)