"Hải quân Trung Quốc sẽ có khoảng 550 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2030, gấp đôi quy mô hải quân Mỹ hiện nay", James Fanell, cựu giám đốc phụ trách hoạt động thông tin và tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nhận định hôm 21/5, theo Breibart.
Fanell cho rằng điều này đặt ra thách thức lớn cho Mỹ, bởi nước này sẽ không có đủ lực lượng để đảm bảo các cam kết an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung. "Kịch bản đó có thể đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ", chuyên gia này cho biết.
Hải quân Trung Quốc hiện biên chế gần 400 tàu chiến, gồm 330 tàu mặt nước và 66 tàu ngầm. Trong khi đó, hải quân Mỹ chỉ có 211 tàu nổi và 72 tàu ngầm. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này có thể rất khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục qua nhiều năm.
Trong khi đó, Trung Quốc đang mạnh tay đầu tư cho hải quân và không quân để phục vụ tham vọng vươn lên thành siêu cường toàn cầu vào năm 2050. Mục tiêu của Trung Quốc là dần xóa bỏ ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ ở châu Á, cũng như tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu.
"Cho đến nay, Trung Quốc chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Tuy nhiên, hải quân nước này cũng bắt đầu xây dựng khả năng tác chiến xa bờ để bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài", Patricia Kim, học giả ở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), đánh giá.
Việc tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trong khu vực và đe dọa trật tự toàn cầu.
"Không chỉ lời nói mà hành động và chi tiêu quốc phòng khổng lồ của Trung Quốc cho thấy nước này sẽ tập trung vào lực lượng hải quân để gây áp lực, đe dọa sử dụng vũ lực trên toàn cầu", Fanell cảnh báo.
Trong trường hợp dùng vũ lực thu hồi Đài Loan, Trung Quốc có thể biến hòn đảo này thành căn cứ quân sự để làm bàn đạp cô lập Nhật Bản, tăng cường kiểm soát Biển Đông cũng như triển khai sức mạnh đến Ấn Độ Dương.
Giới phân tích cho rằng Mỹ cần làm nhiều hơn để đối phó Trung Quốc, bao gồm đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và gia tăng tiềm lực quân sự. "Mỹ có khoảng 10 năm chuẩn bị để ngăn chặn Trung Quốc triển khai sức mạnh toàn cầu", chuyên gia Fanell nhận định.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)