Metro TV (Indonesia) đưa tin, biên đội tàu thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, gồm 1 tàu ngầm, 1 tàu hộ vệ tên lửa và 1 tàu trục vớt cứu hộ đã đi qua Eo biển Malacca hôm 25/6.
Truyền thông Indonesia cho rằng đây là động thái "nắn gân" của Bắc Kinh nhằm vào Jakarta.
Theo Metro TV, tàu chiến và máy bay quân sự của Indonesia đã phát hiện nhóm tàu Trung Quốc đi qua vùng biển Banda của Indonesia vào hôm 24 và đã tiến hành giám sát.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Edi Sucipto cho hay, các tàu này có thể là một phần của biên đội tàu Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ hộ tống.
"Chỉ cần Hải quân Trung Quốc chấp hành việc lưu thông vô hại thì không có vấn đề gì," ông nói.
"Lưu thông vô hại" được hiểu là các tàu quân sự Trung Quốc không được phép có hành động thu thập thông tin tình báo về vấn đề quốc phòng của quốc gia duyên hải, tức Indonesia.
Sucipto cũng giải đáp nghi vấn của truyền thông Indonesia về mối liên quan giữa sự xuất hiện của Hải quân Trung Quốc ở eo Malacca với việc Tổng thống Widodo thị sát quần đảo Natuna:
"Không có gì đặc biệt. Cũng giống như tàu chiến của các nước khác, chỉ cần [chiến hạm Trung Quốc] không vi phạm quy định thì không cần phải điều tra."
Ông bổ sung: "Chỉ cần không đi ngược lại quy định về lưu thông vô hại trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 thì tàu chiến của bất kỳ quốc gia nào cũng được phép đi qua vùng biển gần quần đảo Natuna."
Eo biển Malacca có vị trí quan trọng, nói khu vực biển Đông với Ấn Độ Dương. (Ảnh: seatrade-maritime.com) |
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 26/6, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho hay thông tin về việc các tàu chiến nước này đi qua Eo biển Malacca vẫn chưa được xác thực.
Tuy nhiên, theo ông Lý, tuyên bố của đại diện Hải quân Indonesia "chứng minh xã hội quốc tế ngày càng thừa nhận việc tàu ngầm Trung Quốc huấn luyện ở vùng viễn hải là bình thường".
Hồi năm 2014, dư luận quốc tế đã phản ứng mạnh khi tàu ngầm Trung Quốc đi qua Eo Malacca để tiến vào Ấn Độ Dương, hay trước đó thậm chí sự hiện diện của tàu ngầm nước này ở Tây Thái Bình Dương cũng đủ để "gây sóng gió".
Ông Lý nói: "Tàu ngầm Trung Quốc tham gia huấn luyện ở viễn hải đều đi theo tuyến hàng hải quốc tế, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và thông lệ quốc tế để tranh gây mâu thuẫn."
Theo chuyên gia Viện nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân (Trung Quốc) Trương Quân Xã, biển Banda nằm ở cửa ngõ phía Tây của Eo Malacca và cách xa quần đảo Natuna, vì vậy không có cơ sở liên hệ sự hiện diện của biên đội tàu Trung Quốc ở eo biển này với việc Hải quân Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo Natuna mới đây.