Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USDhàng Trung Quốc ngày 10/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả. Sự bất trắc đang ngày càng tăng về hướng đi sắp tới của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khiến giới đầu tư lo ngại về các kịch bản xấu nhất có thể cản trở tăng trưởng toàn cầu.
Nếu Trung Quốc quyết không nhường ông Trump, Bắc Kinh không những có thể áp đặt hàng rào thuế quan mới, mà còn có các vũ khí tài chính khác để gây hại cho Mỹ.
Bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ
Đầu tiên, Trung Quốc có thể bán bớt số lượng khổng lồ trái phiếu ngắn hạn của chính phủ Mỹ mà nước này đang nắm giữ. Khi thị trường trái phiếu Mỹ tràn ngập trái phiếu mới bán ra, giá trái phiếu sẽ giảm xuống, khiến lợi tức hiện tại tăng lên. (Theo quy luật, giá của trái phiếu và lợi tức hiện tại luôn tăng giảm ngược chiều nhau.) Điều này dẫn đến lãi suất vay tiền cũng tăng đối với các doanh nghiệp Mỹ, khiến tăng trưởng ở Mỹ chậm lại.
Cliff Tan, giám đốc nghiên cứu thị trường khu vực Đông Á của ngân hàng MUFG, nói khó có khả năng Trung Quốc lựa chọn việc bán bớt đáng kể lượng trái phiếu chính phủ Mỹ vì như vậy sẽ ảnh hưởng lợi ích của chính nước này và khiến thị trường biến động lớn.
“Bán tháo trái phiếu Mỹ là đòn tấn công không hiệu quả với Trung Quốc vì sẽ đẩy lợi tức tăng lên và làm giảm giá trị toàn bộ lượng trái phiếu mà nước này đang nắm giữ”, Tan nói với South China Morning Post.
Chiến tranh thương mại dường như đã kết thúc cho đến ngày 5/5, khi ông Trump đe dọa tăng thuế trong một tweet, đẩy giá cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ xuống thấp trong tuần qua. Chỉ số Shanghai Composite xuống thấp nhất trong 10 tuần trong khi đồng nhân dân tệ sắp có mức giảm hàng tuần cao nhất kể từ giữa năm 2018.
Ngày 10/5, vài phút sau khi Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25%, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh lập trường cứng rắn về chiến tranh thương mại, và nói trong một thông cáo rằng “chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài đáp trả một cách cần thiết”.
Mặc dù vậy, thông cáo cho biết Bắc Kinh hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề thông qua “hợp tác và đàm phán”.
Cũng trong ngày 10/5, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung "chưa đổ vỡ".
"Tôi nghĩ những bước lùi nhỏ là bình thường và không thể tránh khỏi trong đàm phán giữa hai bên. Nhìn vào tương lai, chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng", ông Lưu nói trong một video được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố.
Viết trên Twitter ngày 10/5, Tổng thống Trump cũng đánh giá cao các vòng đối thoại.
“Quan hệ giữa Chủ tịch Tập và tôi vẫn tốt đẹp, và đối thoại sẽ tiếp tục trong tương lai”, ông Trump viết trên Twitter. “Trong khi đó, Mỹ sẽ áp thuế lên hàng Trung Quốc, và việc có gỡ bỏ thuế hay không tùy thuộc vào các vòng đàm phán tương lai!”.
Phá giá đồng tệ giảm giá, bù đắp thiệt hại từ thuế
Cho đến năm 2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đóng vai trò như ngân hàng trung ương ở các nước, vẫn mua đồng USD từ các nhà xuất khẩu và bán lại cho họ đồng nhân dân tệ, để ngăn không cho đồng tiền Trung Quốc tăng giá quá nhiều.
Hầu hết dự trữ ngoại tệ trị giá 3.100 tỷ USD của Trung Quốc được giữ dưới dạng trái phiếu chính phủ Mỹ, được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong các loại chứng khoán (safe haven), vì được chính phủ Mỹ bảo đảm không vỡ nợ. Trung Quốc cần giữ các tài sản được định giá bằng USD như vậy để phòng khi nước này cần cứu hệ thống ngân hàng nội địa hoặc giữ giá cho đồng nhân dân tệ thông qua hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối.
Mặc dù đã giảm bớt lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trong nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới về giá trị trái phiếu trong tay, với tổng trị giá 1.123 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản với 1.042 tỷ USD.
Khoản trái phiếu đó chỉ bằng 5% tổng nợ công 22.000 tỷ USD của Mỹ, do chính phủ liên bang, tiểu bang, và địa phương vay tiền. Trong con số tổng cộng này, hơn 5 tỷ USD nợ thực ra là do chính phủ liên bang nắm giữ trong các quỹ phục vụ an sinh xã hội. Hầu hết số nợ do các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và các định chế công khác nắm giữ, bao gồm chính phủ Trung Quốc.
Lượng trái phiếu 1.123 tỷ USD do Trung Quốc nắm giữ không nhỏ, nhưng nó chỉ là 5% tổng nợ công của Mỹ và không rõ nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu, có gây ảnh hưởng gì đáng kể hay không.
“Bán tháo trái phiếu khó là động thái hiệu quả cho đàm phán thương mại. Trung Quốc khó tìm được các lựa chọn đầu tư khác, vì nước này nắm giữ quá nhiều trái phiếu”, Betty Rui Wang, kinh tế gia cao cấp chuyên về Trung Quốc ở ngân hàng ANZ, nói với South China Morning Post.
Chuyên gia Cliff Tan của ngân hàng MUFG nói lựa chọn tốt hơn cho Trung Quốc là cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD để bù đắp cho thiệt hại từ việc tăng thuế.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm xuống tuần qua đã dập tắt hy vọng Bắc Kinh sẽ làm theo yêu cầu của Mỹ là bình ổn tỷ giá bằng mọi cách.
“Nếu không có thỏa thuận nào về bình ổn tỷ giá, thì đó là một cách Trung Quốc có thể chuẩn bị cho việc tăng thuế mà chúng tôi coi là sẽ gây nhiều thiệt hại”, Tan nói.
Theo Reuters, Tổng thống Trump hôm 10/5 đã ra lệnh khởi động quá trình tăng thuế đánh vào "tất cả các hàng hóa còn lại của Trung Quốc", trị giá 300 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi lệnh tăng thuế trừng phạt lên một số hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vừa có hiệu lực.
Thông tin trên được Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận. Ông cho biết quy trình công bố và lấy ý kiến sẽ được đăng tải trên website đăng ký liên bang. Chi tiết về lệnh tăng thuế mới sẽ được công bố trên website của Đại diện thương mại Mỹ trong ngày 13/5.
Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)