Theo cơ quan địa chất New Zealand, trận động đất 7,8 độ và các cơn dư chấn xảy ra tại khu vực Kaikoura thuộc đảo Nam đã nâng đáy biển cao thêm khoảng 198 cm, để lộ những tảng đá phủ đầy rong rêu cũng như đời sống sinh vật biển.
Hai hòn đảo tiếp tục xích lại gần nhau sau trận động đất, chuyên gia Sigrún Hreinsdóttir của viện nghiên cứu GNS Science nói với trang tin Stuff của New Zealand.
Bà cho hay mũi Campbell, nằm ở cực đông bắc của đảo Nam, "rút ngắn" khoảng cách với Wellington, thủ đô của New Zealand nằm trên bờ biển phía nam đảo Bắc, thêm 35 cm so với trước trận động đất.
Trong khi đó, thị trấn Kaikoura dịch chuyển về phía đông khoảng 15 cm, và thị trấn ven biển Blenheim dịch chuyển về phía đông bắc với khoảng cách tương tự.
Bản thân thành phố Wellington đã dịch chuyển khoảng 5 cm về phía đông bắc.
Bà Hreinsdóttir lưu ý rằng rất khó để xác định đứt gãy địa lý nào gây ra sự dịch chuyển. "Trên thực tế, chúng ta thấy tất cả những diễn biến từ từ này đang xảy ra và câu hỏi đặt ra là đâu yếu tố chi phối", cô nói.
GNS Science đã theo dõi diễn biến địa chất tại một số địa điểm trên khắp New Zealand kể từ trận động đất năm 2016.
Trận động đất này làm thay đổi đáng kể cảnh quan của nhiều vùng trên đảo Nam và tạo ra 25 đứt gãy. GNS Science nói đây là "một trong những trận động đất phức tạp nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới.
Một đứt gãy, tại vịnh Waipapa, gây ra sự dịch chuyển khoảng 91 cm theo phương thẳng đứng khi xảy ra với tốc độ khoảng hai dặm mỗi giây.
Michael Blanpied, điều phối viên liên kết với Chương trình Nguy cơ Động đất của USGS, khi đó cho biết sự dịch chuyển lớn nhất xảy ra trên đứt gãy ở Kekerengu: dường như trượt khoảng 9,1 m dọc theo một phần chiều dài của nó.
Trận động đất năm 2016 khiến hai người thiệt mạng.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)