Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi phó tổng thống Pence phế truất ông Trump

13/01/2021 13:44:14

Hạ viện Mỹ hôm 12/01 thông qua nghị quyết kêu gọi phó tổng thống Mike Pence sử dụng thẩm quyền theo hiến pháp để phế truất tổng thống Donald Trump sau vụ người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 06/01.

Nghị quyết kêu gọi ông Pence cùng các thành viên khác của Nội các vận dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ để phế truất tổng thống Trump.

Raskin, một học giả luật Hiến pháp, nói rằng Quốc hội Mỹ buộc phải ra thông điệp rằng "những gì xảy ra là không thể chấp nhận và không thể tha thứ".

"Điều quan trọng đối với chúng ta là phải làm rõ rằng đây là sự lơ là bổn phận tổng thống," ông Raskin nói.

Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi phó tổng thống Pence phế truất ông Trump

Nghị quyết được thông qua với 223 phiếu ủng hộ và 205 phiếu phản đối. Chỉ một nghị sĩ đảng Cộng Hòa là ông Adam Kinzinger đứng về phía các thành viên đảng Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ.

Đại đa số các thành viên đảng Cộng Hòa tại Hạ viện phản đối nỗ lực này. Một số người cho rằng hành động của ông Trump không gây hại, một số chỉ trích tổng thống Mỹ, nhưng không đồng tình việc phế truất khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc.

Nghị sĩ Tom Cole, thành viên cấp cao của Ủy ban Luật pháp Hạ viện Mỹ, cho rằng quyết định vận dụng Tu chính án 25 để phế truất tổng thống nằm ngoài thẩm quyền của Quốc hội.

"Quốc hội không có vai trò nào nếu không có tranh cãi giữa tổng thống và phó tổng thống cùng Nội các về khả năng hoành thành các nghĩa vụ của tổng thống," ông Cole cho hay.

Phó tổng thống Mike Pence trước đó đã gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo rằng ông sẽ không vận dụng Tu chính án 25. Tuy vậy, nghị quyết được Hạ viện thông qua đẩy các lãnh đạo Cộng Hòa vào thế khó, khi ngày càng nhiều nghị sĩ đảng này công khai chỉ trích tổng thống sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol.

Trước khi vụ việc diễn ra, ông Trump đã từ chối nhận thua trong cuộc bầu cử hồi năm 2020, dù tất cả các bang đều đã chứng nhận kết quả và nhiều tòa án đã ra phán quyết bác bỏ các đơn kiện gian lận bầu cử. Ông Trump sau đó khuyến khích người ủng hộ tới Đồi Capitol, khi phó tổng thống Pence và Quốc hội đang chứng nhận kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn, trong nỗ lực ngăn cản quá trình này.

Đám đông xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, phá vỡ cửa kính, vượt qua lực lượng cảnh sát Quốc hội, làm hưu hỏng nhiều tác phẩm nghệ thuật lịch sử và phá phách các văn phòng trong ba giờ đồng hồ.

Năm người thiệt mạng trong vụ bạo loạn, bao gồm sĩ quan cảnh sát Brian Sicknick. Một người biểu tình bị cảnh sát bắn chết khi đang tìm cách xông vào phòng của Chủ tịch Hạ viện.

Khi được hỏi về vai trò của ông trong vụ việc, tổng thống Trump hôm 12/01 cho rằng bài phát biểu của ông "hoàn toàn thích hợp".

Các lãnh đạo đảng Dân Chủ cáo buộc ông Trump xúi giục nổi loạn. Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho biết bà muốn phó tổng thống Pence vận dụng Tu chính án 25 để phế truất ông Trump. Tuy vậy, ông Pence đã phản đối điều này, và đảng Dân Chủ được cho là sẽ tiến hành các thủ tục xem xét bãi nhiệm tổng thống Mỹ.

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu điều khoản xem xét bãi nhiệm tổng thống Trump, với cáo buộc ông kích động bạo loạn chống chính phủ, vào ngày 13/01.

Giới chuyên gia đánh giá Hạ viện Mỹ sẽ dễ dàng thông qua điều khoản kể trên, do nhiều thành viên đảng Cộng Hòa đã công khai bày tỏ ủng hộ việc xem xét bãi nhiệm ông Trump.

Vẫn chưa rõ sau đó bà Pelosi có gửi điều khoản luận tội lên Thượng viện ngay lập tức hay sẽ chờ cho tới khi tổng thống đắc cử Joe Biden hoàn tất việc thành lập Nội các của ông.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)