"Tôi không tin rằng những động thái như vậy mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, hay nhất quán với Hiến pháp," ông Pence viết trong thư gửi bà Pelosi được công bố đêm 12/01.
"Tuần trước, tôi không chịu nhường trước sức ép đòi hỏi tôi hành động vượt quá thẩm quyền theo Hiến pháp để quyết định kết quả bầu cử, và giờ đây tôi sẽ không chịu nhường trước nỗ lực của Hạ viện nhằm chơi những trò chơi chính trị trong thời điểm quan trọng của vận mệnh quốc gia," phó tổng thống Mỹ bổ sung.
Ông Pence viết rằng việc vận dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ để phế truất ông Trump "sẽ tạo tiền lệ xấu". Ông cho rằng Tu chính án 25 chỉ nên vận dụng trong các trường hợp tổng thống mất năng lực hoặc bị tàn tật khiến ông không thể hoàn thành nghĩa vụ.
"Tôi kêu gọi bà Chủ tịch và tất cả các thành viên Quốc hội tránh những động thái có thể gây thêm chia rẽ hoặc thổi bùng cảm xúc hiện tại. Hãy làm việc với chúng tôi để giảm nhiệt và thống nhất đất nước, trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị cho lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden với tư cách tổng thống tiếp theo của nước Mỹ," ông Pence kêu gọi.
Văn phòng của bà Pelosi chưa bình luận về bức thư.
Phó tổng thống Pence gửi thư cho bà Pelosi trước thời điểm Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về một điều khoản xem xét bãi nhiệm tổng thống Donald Trump vì "kích động bạo loạn" liên quan tới vụ người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội hôm 06/01. Vụ việc đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát Quốc hội.
Nhiều thành viên đảng Cộng Hòa cho biết họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm ông Trump ở thời điểm chỉ một tuần trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Hàng ngàn người ủng hộ ông Trump hôm 06/01 đã tới thủ đô Washington DC để biểu tình phản đối chứng nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri khẳng định ông Biden là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, sau khi ông Trump không chấp nhận thua cuộc và liên tục đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử.
Tổng thống Trump, tại sự kiện vận động sáng 06/01, kêu gọi người ủng hộ tới tòa nhà Quốc Hội Mỹ và khuyến khích các nghị sĩ bác bỏ kết quả. Ông Trump cũng được cho là gây sức ép yêu cầu ông Pence can thiệp để ngăn chặn việc ông Biden được tuyên bố thắng cử, điều được cho là không nằm trong thẩm quyền của phó tổng thống Mỹ.
Người ủng hộ ông Trump sau đó vượt qua lực lượng thực thi pháp luật, xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. Phó tổng thống, các nghị sĩ, nhân viên và nhà báo đã phải sơ tán hoặc ẩn nấp.
Video và tường thuật của nhân chứng cho thấy đám đông tấn công cảnh sát, đập phá cửa kính và cửa ra vào, có người mang theo dây cáp. Hàng chục người liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ, trong đó có kẻ đột nhập vào văn phòng của bà Pelosi.
Các động thái của ông Trump khiến nhiều thành viên đảng Dân Chủ kêu gọi ông Pence vận dụng Tu chính án 25 để phế truất tổng thống Mỹ. Tuy vậy, điều này không nhận được nhiều ủng hộ, và nhiều thành viên Nội các đã từ chức sau vụ bạo loạn hôm 06/01.
Ông Trump vẫn chưa thừa nhận vai trò trong vụ việc hay công khai bình luận về cái chết của sĩ quan cảnh sát Quốc hội. Hôm 12/01, tổng thống nói với các phóng viên rằng ông thấy bình luận của mình với người ủng hộ hôm 06/01 là "hoàn toàn thích hợp".
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)