Đây là một trong bảy chủng virus bị đóng băng vừa được "hồi sinh" sau hàng ngàn năm, Daily Mail đưa tin.
Virus "trẻ nhất" có niên đại 27.000 năm, trong khi virus "già" nhất, được gọi là Pandoravirus yedoma, đã bị đóng băng 48.500 năm.
Các chủng virus này được cho là không gây nguy cơ cho con người, nhưng giới khoa học cảnh báo một số virus khác nếu thoát ra sau khi băng tan có thể sẽ là "thảm họa" và dẫn tới các đại dịch mới.
"48.500 năm là kỷ lục thế giới," nhà virus học Jean-Michel Claverie tại Đại học Aix-Marseille (Pháp) nói trên tờ New Scientist.
Pandoravirus, được đặt tên theo câu chuyện về chiếc hộp pandora, là một chủng virus kích thước lớn được phát hiện lần đầu năm 2013. Xét về kích thước, chủng virus này lớn thứ hai, chỉ sau pithovirus.
Pandoravirus đạt kích cỡ khoảng 1cm chiều dài và 0,5 micromet chiều ngang, nghĩa là có thể nhìn thấy được qua kính hiển vi thông thường.
Chủng virus 48.500 tuổi này được tìm thấy trong tình trạng đóng băng vĩnh viễn ở độ sâu 16 mét tại đáy hồ ở Yukechi Alas, Yakutia, Nga.
Giáo sư Claverie và các đồng nghiệp trước đó đã "hồi sinh" hai chủng virus 30.000 năm tuổi. 9 chủng virus này đều có thể xâm nhập các thực thể đơn bào gọi là amip, nhưng không thể tấn công tế bào cây cối hay động vật. Tuy vậy, một số chủng virus bị đóng băng khác có thể rất nguy hiểm với thực vật, động vật và cả con người.
Việc phát hiện các chủng virus bị đóng băng nhưng vẫn có thể "hồi sinh" làm dấy lên lo ngại trong giới khoa học. Giáo sư Claverie năm ngoái cảnh báo đã có bằng chứng "rất tốt" cho thấy "chúng ta có thể hồi sinh vi khuẩn bị đóng băng vĩnh viễn". Bản thân ông đã phát hiện pithovirus, sau khi được "hồi sinh" đã bắt đầu tấn công amip.
Dù chủng virus kể trên không gây hại cho con người, Claverie vẫn lưu ý rằng phát hiện kể trên cho thấy các chủng virus bị đóng băng lâu năm có thể "thức giấc" và bắt đầu lây nhiễm lên vật chủ.
Giáo sư Clevarie và các đồng nghiệp trong nghiên cứu viết rằng việc phóng thích vi khuẩn và vi khuẩn cổ bị đóng băng trong hàng ngàn năm có thể sẽ là "vấn đề gây lo ngại tới sức khỏe công cộng."
"Tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu thực vật, động vật hoặc con người nhiễm bệnh do sự trở lại của một loại virus cổ mà chúng ta chưa biết," nhóm nghiên cứu lưu ý.
"Như đã được ghi chép trong các đại dịch gần đây, để đối phó với các chủng virus mới, ngay cả khi liên quan tới các họ virus đã được biết đến, hầu như luôn cần phát triển các biện pháp y khoa đặc biệt, chẳng hạn như thuốc kháng virus và vaccine," nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)