Các nhà virus học Mỹ đã tiến hành thử nghiệm trên chủng virus này, hiện được gọi là Khosta-2, và lo ngại nó có thể "kháng hoàn toàn" các loại vaccine được phát triển để đối phó với đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, thử nghiệm cũng cho thấy virus có thể dễ dàng bám vào tế bào của con người, tương tự như SARS-CoV-2.
Giới chuyên gia Nga đã xác nhận sự tồn tại của virus Khosta-2 hồi tháng 05/2021. Virus này được phát hiện trên nhiều mẫu dơi thu thập trong khoảng từ tháng 03-10/2020, theo Daily Mail.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya cho biết họ thu thập mẫu dơi trong "chương trình giám sát" loài dơi sinh sống ở Công viên Quốc gia Sochi (Nga).
Khosta-2 được phân loại là chủng virus sarbeco, một nhánh của gia đình virus corona. Hiện giới khoa học chưa nắm được nhiều thông tin về virus này, ngoài việc nó có quan hệ xa với virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Stephanie Seifert và các đồng nghiệp ở Đại học Bang Washington đã quyết định tiến hành thử nghiệm virus Khosta-2, bên cạnh Khosta-1, một chủng virus khác rất giống.
Kết quả thí nghiệm cho thấy Khosta-2 có thể thâm nhập vào tế bào con người gần như giống hệt SARS-CoV-2. Cụ thể, nhờ protein gai trên bề mặt virus, Khosta-2 bám vào enzyme ACE-2 trên tế bào con người.
Tuy quá trình thâm nhập tế bào con người của hai virus giống nhau, nhưng giới chuyên gia kết luận Khosta-2 chưa thể thực hiện quá trình này một cách hiệu quả như SARS-CoV-2.
Giới nghiên cứu cũng thí nghiệm để đánh giá liệu các loại vaccine, thuốc có thể loại bỏ Khosta-2 hay không, trong trường hợp nó lây sang người. Họ kết luận rằng virus này "hoàn toàn kháng được" một loại thuốc kháng thể do hãng Eli Lilly sản xuất.
Bên cạnh đó, Khosta-2 dường như cũng "chống được" hai liều vaccine Moderna và Pfizer, theo kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm.
Tuy vậy, tiến sĩ Seifert và các đồng nghiệp cho rằng đề kháng Covid-19 tự nhiên, hoặc đề kháng được sản sinh sau khi tiêm vaccine, vẫn có thể chống lại virus này.
Hà An (Nguoiduatin.vn)