Những chủng virus này, về mặt lý thuyết, có khả năng lây lan sang người trong những điều kiện thích hợp, theo VOX.
Việc xác định những điều kiện thích hợp kể trên cụ thể như thế nào có tầm quan trọng rất lớn, và các nhà khoa học đã có nhiều bước tiến về vấn đề này. Chẳng hạn, họ đã phát hiện ra rằng khi rừng bị chia cắt bởi các hoạt động như phá rừng hay xây dựng đường xá, khả năng virus "lây lan từ động vật sang người" cũng tăng lên.
Điều họ vẫn còn chưa biết là những điều kiện thích hợp sẽ hội tụ chính xác là tại đâu để tạo ra nguy cơ lớn nhất về một đại dịch virus corona mới.
Nghiên cứu mới được đăng tải trên tuần san Nature Food hôm 31/05 đã bước đầu trả lời cho câu hỏi quan trọng đó - cụ thể là chỉ ra những nơi một chủng virus corona khác có thể lây từ dơi mũi lá, vốn mang một số loại virus corona liên quan tới SARS, sang người.
Bằng cách kết hợp dữ liệu về nơi sinh sống của loài dơi này với sự thay đổi trong quá trình sử dụng đất đai, mật độ dân số con người và một số yếu tố tăng nguy cơ lây lan khác, các nhà khoa học đã vẽ bản đồ những "điểm nóng" nguy cơ ở châu Á và châu Âu.
Nghiên cứu không đem lại cái nhìn mới về nguồn gốc của SARS-CoV-2, vốn được giới nghiên cứu cho là lây từ dơi sang người thông qua động vật trung gian, tuy vậy nó chỉ ra những nơi các chủng virus corona tương tự có thể xuất hiện trong tương lai. Đáng chú ý, theo nghiên cứu, một số khu vực tại miền Nam Trung Quốc được đánh giá có nguy cơ lây lan cao.
Nghiên cứu cũng cho thấy để ngăn chặn đại dịch virus corona tiếp theo sẽ cần phải giảm nguy cơ gốc rễ của lây lan, chẳng hạn như tình trạng phá rừng, không chỉ đơn giản là đối phó với các đợt bùng phát khi chúng xảy ra.
Các đợt bùng phát dịch bệnh có nguồn gốc động vật đang xảy ra ngày một nhiều hơn, phần lớn lỗi là ở con người. Một số yếu tố khiến đại dịch xuất hiện nhiều hơn bao gồm tình trạng tàn phá rừng và môi trường sống của động vật hoang dã, theo báo cáo của Tổ chức Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học và Hệ sinh thái (IPBES).
Khoảng gần một phần ba những bệnh dịch mới xuất hiện kể từ năm 1960, chẳng hạn như Ebola, có gốc rễ sâu xa từ tình trạng thay đổi mục đích sử dụng đất đai, theo báo cáo.
Về cơ bản, nguy cơ lớn của thay đổi sử dụng đất đai là nó làm tăng khả năng tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã. Chẳng hạn, việc chia nhỏ một khu rừng sẽ làm tăng diện tích bìa rừng - nơi rừng tiếp giáp với các khu vực định cư của con người - và khiến các loài động vật hoang dã phải di chuyển vào các khu vực thành thị.
"Các bìa rừng nhiệt đới là bệ phóng cho nhiều loại virus mới ở người," một nhóm các nhà khoa học viết trên tạp chí Science hồi năm ngoái.
Nghiên cứu chỉ ra rằng con người và các loài động vật trang trại dễ tiếp xúc với động vật hoang dã hơn sau khi rừng bị giảm 1/4 diện tích, trong khi loài dơi quạ thường kiếm ăn gần con người nếu môi trường sống của chúng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc tàn phá môi trường sống có thể khiến các loài động vật hoang dã mang nhiều virus có thể lây sang con người, chẳng hạn như dơi hay chuột, xuất hiện dày đặc hơn.
Thay đổi mục đích sử dụng đất chỉ là một yếu tố mà các nhà khoa học cho rằng có thể làm tăng nguy cơ virus lây từ động vật sang người. Mật độ dân số dày đặc cũng có thể gây nguy cơ lớn. Các loài vật nuôi có thể mang một số mầm bệnh được cho là gây ra những đợt dịch lớn, chẳng hạn như cúm H1N1 hay virus Nipah.
Nguy cơ thậm chí cao hơn trong các trang trại hiện đại khi số lượng lớn các loài động vật được nuôi nhốt trong không gian chật hẹp, bản thân các con vật thường có hệ miễn dịch rất yếu.
Hiện tại hầu hết các nghiên cứu về virus corona đều tập trung vào vấn đề chúng lây lan từ người sang người như thế nào, theo Paolo D’Odorico, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học California Berkeley.
Điều này mang lại những lợi ích rõ ràng, nhưng nó không trả lời câu hỏi về việc các chủng virus lây từ động vật hoang dã sang người như thế nào. D’Odorico và các cộng sự muốn tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Khi các biện pháp phong tỏa được ban hành hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thu thập dữ liệu về thay đổi mục đích sử dụng đất, mật độ vật nuôi, mật độ dân số và một số yếu tố ảnh hưởng tới sự lây lan của dịch bệnh.
Họ đối chiếu những dữ liệu này với môi trường sống của loài dơi lá mũi ở châu Á và châu Âu. Dơi lá mũi mang nhiều virus corona liên quan tới SARS, trong đó có một chủng gần gũi với SARS-CoV-2, virus gây bệnh Covid-19.
Với những thông tin này, các nhà nghiên cứu lập bản đồ điểm nóng, làm nổi bật những khu vực nơi nguy cơ dịch bệnh lây lan cao trùng khớp với môi trường sống của loài dơi.
Theo Hayman, điều quan trọng là vẫn còn những khu vực rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc có nguy cơ cao xuất hiện một chủng virus corona mới. "Các điều kiện lây lan vẫn còn hiển hiện, nghĩa là có thể sẽ xuất hiện những chủng virus mới", ông nói.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lập bản đồ các khu vực hiện chưa phải điểm nóng nhưng trong tương lai có nguy cơ cao nếu tình trạng chia nhỏ rừng hay các yếu tố tăng khả năng lây lan khác, bao gồm khu vực phía Nam thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Nhật Bản và miền Bắc Philippines.
"Đây là những khu vực cần thực hiện giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện những chủng virus mới," Hayman cho hay.
Hai nhà khoa học không tham gia thực hiện nghiên cứu cho biết kết quả thu nhận được là rất quan trọng, mở ra chiều hướng mới trong các cuộc thảo luận về dịch bệnh do virus corona gây ra.
Trước đây, một số nỗ lực xác định nơi bùng phát tiếp theo phụ thuộc vào địa điểm bùng dịch trong quá khứ, nhưng như vậy không có hiệu quả cao, theo giáo sư Andrew Dobson thuộc Đại học Princeton. Nghiên cứu kể trên tiến xa hơn bằng cách tập trung vào nguyên nhân xảy ra lây lan virus từ động vật sang người, Dobson nói.
"Nghiên cứu này vẽ nên bức tranh toàn cảnh nơi nào trên thế giới có sự hội tụ những yếu tố quan trọng nhất tạo điều kiện cho sự xuất hiện của virus nguồn gốc động vật như SARS-CoV-2," Jonathan Epstein, phó chủ tịch khoa học tại Liên minh EcoHealth bình luận.
"Điều quan trọng nhất lúc này là tìm hiểu xem chúng ta cần phải làm gì để giảm khả năng những sự kiện lây lan xảy ra. Chúng ta đã có những ý tưởng ban đầu rất rõ ràng: giảm thiểu phá rừng và chia nhỏ rừng," Dobson nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)