Tờ The Sun dẫn lời các chuyên gia cho biết một số dịch bệnh mới có thể gây bùng phát trên trên phạm vi toàn cầu. Họ lo ngại virus Nipah có thể gây ra đại dịch.
Được phát hiện lần đầu tại năm 1999 ở Malaysia, virus Nipah có thể gây bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng như phù não nghiêm trọng, co giật, nôn mửa.
Các đợt bùng phát trước đây tại Nam Á và Đông Nam Á cho thấy đây là loại virus chết chóc, có thể gây tỷ lệ tử vong 40-75%.
Tỷ lệ tử vong của Covid-18 được xác định trong khoảng 1%, theo Đại học Hoàng gia Anh, do đó dịch bệnh do virus Nipah gây ra có thể khiến nhiều người tử vong hơn.
Virus Nipah cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là một trong 16 mần bệnh được ưu tiên nghiên cứu, do nó có khả năng bùng phát thành dịch bệnh. Tổng cộng có 260 loại virus đã được xác định có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh, theo WHO.
Virus Nipah gây lo ngại do thời gian ủ bệnh tối đa lên tới 45 ngày, đồng nghĩa với việc con người có thể lan truyền virus hơn một tháng trước khi đổ bệnh. Bên cạnh đó, virus cũng có khả năng lây lan giữa các loài.
Nipah cũng có tỷ lệ đột biến cao bất thường, gây lo ngại một biến thể dễ lây bệnh ở người có thể lan truyền rất nhanh.
Trong bối cảnh Covid-19 đã khiến gần 2,5 triệu người tử vong và gây thiệt hại lớn về kinh tế, giới khoa học cảnh báo đại dịch tiếp theo có thể sẽ còn tệ hơn.
Tiến sĩ Melanie Saville, giám đốc nghiên cứu và phát triển vaccine tại CEPI cảnh báo thế giới cần chuẩn bị cho "đại dịch lớn" tiếp theo.
Việc con người xung đột với thiên nhiên khi các cộng đồng dân cư mở rộng môi trường sống được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự xuất hiện của các dịch bệnh mới. Điều đó đã xảy ra với virus Nipah, khi nó lây sang người chăn nuôi lợn ở Malaysia.
Rebecca Dutch, chủ tịch khoa Sinh hóa Phân tử và Tế bào ở Đại học Kentucky cho rằng dù hiện dịch bệnh do virus Nipah chưa bùng phát trên thế giới, trong quá khứ nó đã từng xuất hiện và "rất có khả năng" sẽ lặp lại trong tương lai.
"Nipah là một trong những virus có thể gây ra đại dịch mới. Có nhiều điều đáng lo ngại về virus Nipah. Nhiều virus trong họ này, giống như sởi, lây lan giữa người với người rất nhanh, do đó có lo ngại rằng biến chủng Nipah lây nhiễm nhanh có thể xuất hiện," bà Dutch cho biết.
"Tỷ lệ tử vong của virus này vào khoảng 45-75%, dựa trên từng đợt bùng phát, cao hơn nhiều so với COvid-19. Nipah được xác định có thể lây nhiễm qua thực phẩm, cũng như qua tiếp xúc phân người hoặc động vật. Thời gian ủ bệnh của có thể khá dài, hiện vẫn chưa rõ virus có lây lan trong thời gian ủ bệnh hay không," bà nói thêm.
Bên cạnh dơi quạ, lợn cũng có thể mắc bệnh khi ăn hoa quả nhiễm virus, và có khả năng lây bệnh cho con người.
Một số thông tin cho rằng Malaysia đã phải tiêu hủy hơn một triệu con lợn nhiễm virus Nipah để tránh lây lan sang người.
Jonathan Epstein, phó chủ tịch EcoHealth Alliance giải thích lý do vì sao cần phải theo dõi virus Nipah.
"Chúng ta biết rất ít về sự khác biệt gene của các loại virus liên quan tới Nipah trên dơi, việc một chủng mới dễ lây lan hơn giữa người với người xuất hiện là điều chúng ta không muốn," Epstein nói.
"Nipah hiện chỉ lây nhiễm qua tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, đặc biệt là người có bệnh hô hấp, thông qua giọt bắn, và chúng ta chưa chứng kiến các chuỗi lây nhiễm lớn. Tuy vậy, nếu có khả năng virus lây từ dơi sang người và giữa người với người, có thể sẽ xuất hiện chủng mới lây nhiễm tốt hơn trong cộng đồng người," ông nhận định.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)