Theo New Scientist, hai biến thể virus SARS-CoV-2 dường như đã hợp nhất bộ gene để tạo thành một phiên bản lai đột biến. Hiện tượng "kết hợp" này được phát hiện trên một mẫu virus tại California (Mỹ), dấy lên cảnh báo con người có thể đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch.
Virus lai là kết quả của quá trình tái tổ hợp giữa biến thể B.1.1.7 được phát hiện ở Anh và biến thể B.1.429 có nguồn gốc ở California. Virus lai này có thể là nguyên nhân dẫn tới việc ca nhiễm Covid-19 ở Los Angeles tăng nhanh trong thời gian qua, do có đột biến khiến nó chống được một số kháng thể.
Quá trình tái tổ hợp được nhà nghiên cứu Bette Korber tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico. Trong một cuộc họp do Viện Khoa học New York tổ chức hôm 02/02, Bette Korber cho biết bà đã thấy "bằng chứng khá rõ ràng" của quá trình tái tổ hợp trên hệ thống dữ liệu bộ gene virus ở Mỹ.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là sự kiện tái tổ hợp đầu tiên được phát hiện trong đại dịch Covid-19. Hồi tháng 12/2020 và tháng 01 vừa qua, hai nhóm nghiên cứu riêng biệt cho biết họ chưa thấy bằng chứng của sự kiện tái tổ hợp, dù giới khoa học biết rằng đây là điều thường thấy ở các chủng virus corona.
Không giống như đột biến thông thường, nơi những sự thay đổi về gene chỉ xảy ra một lần, tạo ra những biến thể như B.1.1.7, tái tổ hợp có thể gây ra nhiều đột biến cùng lúc. Đa phần những đột biến này không mang lại lợi ích gì cho virus, tuy vậy đôi lúc điều đó xảy ra.
Tái tổ hợp được coi là quan trọng về mặt tiến hóa, theo nhà nghiên cứu Francois Balloux ở Đại học London. Một số nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ một quá trình tái tổ hợp.
Tái tổ hợp có thể dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới và thậm chí nguy hiểm hơn, dù tới nay vẫn chưa rõ quá trình tái tổ hợp đầu tiên này gây ra nguy cơ đến đâu.
Korber mới phát hiện duy nhất một bộ gene tái tổ hợp trong hàng ngàn trình tự, và hiện chưa rõ virus lai lây từ người sang người hay chỉ là một trường hợp tách biệt.
Tái tổ hợp thường xảy ra trên các chủng virus corona, do enzyme tạo ra bản sao bộ gene của chúng có thể "trượt khỏi" dải RNA mà nó đang tạo bản sao và nối lại vào một thời điểm khác. Nếu tế bào vật chủ có chứa hai bộ gene virus corona khác nhau, enzyme này có thể "nhảy" từ bộ gene này sang bộ gene khác, kết hợp các yếu tố khác nhau của mỗi bộ gene để tạo ra virus lai.
Việc các biến chủng virus corona mới xuất hiện trong thời gian gần đây có thể tạo điều kiện cho tái tổ hợp, bởi con người có thể cùng lúc nhiễm hai biến thể khác nhau.
"Chúng ta có thể đang tiến tới thời điểm điều này xảy ra với tốc độ có thể thấy rõ," Sergei Pond thuộc Đại học Temple ở bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết. Ông cho biết tới nay chưa có bằng chứng về việc virus tái tổ hợp trên diện rộng, tuy vậy "tất cả các chủng virus corona đều tái tổ hợp, do đó câu hỏi là khi nào, không phải là nếu xảy ra".
Kết quả của nghiên cứu chưa nêu lên điều gì rõ ràng, do giới khoa học vẫn còn biết rất ít về quá trình tái tổ hợp. Tuy vậy, virus lai mang một đột biến của B.1.1.7, có tên là Δ69/70, vốn khiến biến thể này lây lan nhanh hơn, và một đột biến khác của B.1.429, gọi là L452R, có thể khiến virus chống kháng thể.
"Những sự kiện như thế này có thể khiến virus dễ lây lan kết hợp với virus chống kháng thể," Korber nói trong cuộc họp tại New York hôm 02/02.
Lucy van Dorp thuộc Đại học London cho biết bà chưa nghe tin về việc virus tái tổ hợp, "tuy vậy sẽ không quá bất ngờ nếu phát hiện ra một số trường hợp".
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)