Giới chuyên gia cảnh báo quốc gia 200 triệu dân nguy cơ bị 'sóng thần' Covid-19 nuốt chửng như Ấn Độ

11/05/2021 16:15:59

Chương trình tiêm chủng triển khai chậm, dân số lớn và tình trạng bất bình đẳng xảy ra ở nhiều nơi, Nigeria được coi là có nguy cơ trở thành tâm dịch Covid-19 như Ấn Độ.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid-19 khổng lồ gây ra cuộc khủng hoảng y tế vô cùng nghiêm trọng ở Ấn Độ, giới chuyên gia dịch tễ nỗ lực dự báo nước tiếp theo trở thành tâm dịch.

Một số chuyên gia tỏ ra đặc biệt lo ngại với tình hình tại một quốc gia đang phát triển rộng lớn, với tình trạng bất bình đẳng trong y tế và tiếp cận vaccine không đồng đều: Nigeria. Với 200 triệu dân, Nigeria là nước đông dân nhất Tây Phi và là nước đông dân thứ 7 trên thế giới.

"Nigeria rất dễ tổn thương. Có nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ," Ngozi Erondu, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu Nhà Chatham ở Anh nói với tờ Daily Beast.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Nigeria có thể sẽ không nghiêm trọng như ở Ấn Độ. Việc phân phối vaccine đồng đều hơn có thể tạo ra bức "tường lửa" ngăn chặn dịch bệnh bùng phát nhanh chóng ở Nigeria hay bất kỳ quốc gia đang phát triển nào khác, theo Daily Beast.

Tuy vậy, điều đó đồng nghĩa với việc các nước giàu phải chia sẻ tài nguyên với nước nghèo. Trong cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ, điều này không phải lúc nào cũng diễn ra kịp thời.

Nhiều nước tại châu Phi tới lúc này chưa chứng kiến những đợt bùng phát khổng lồ xuất hiện tại các nước giàu hơn. Trong khi Mỹ đã ghi nhận hơn 580.000 ca tử vong vì Covid-19, ở Nigeria mới có 1.600 người chết vì căn bệnh.

Giới chuyên gia cảnh báo quốc gia 200 triệu dân nguy cơ bị 'sóng thần' Covid-19 nuốt chửng như Ấn Độ
Ảnh minh họa: Anadolu Agency/Getty

Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Covid-19 sẽ không thể gây ra hậu quả thảm khốc ở Nigeria, hay các nước châu Phi khác.

"Tôi dự đoán Covid-19 sẽ như ngọn lửa lớn bùng phát khắp thế giới trong những tuần, những tháng tới. Tôi lo ngại nhất cho châu Phi," Lawrence Gostin, chuyên gia y tế thuộc Đại học Georgetown nói.

"Tôi coi cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ là chỉ dấu hàng đầu cho những gì có thể xảy ra tại các nước thu nhập thấp và trung bình," Gostin nói thêm.

Trước làn sóng Covid-19 thứ hai đang diễn ra hiện nay, Ấn Độ, với nền y tế công cộng nhiều hạn chế - được cho là khá may mắn trong đại dịch. Đất nước 1,37 tỷ dân ghi nhận 160.000 trường hợp tử vong tính tới tháng 03/2021, tức là chỉ 11 người chết trên mỗi 100.000 dân.

Đầu tháng 04, biến chủng virus corona mới B.1.617, được cho là dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm và ca tử vong tăng cao chóng mặt. Chỉ trong hai tuần, Ấn Độ có thêm 50.000 người chết. Tỷ lệ tử vong tăng lên 15 trên mỗi 100.000 dân.

Cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn tại Ấn Độ, tuy vậy đã có những tín hiệu khả quan: số ca nhiễm, ca tử vong chưa tăng mạnh trong những ngày qua. Dù giới khoa học vẫn dự đoán hàng chục ngàn người Ấn Độ sẽ tiếp tục tử vong trước khi đợt bùng phát kết thúc, ít nhất đại dịch không trở nên tồi tệ hơn, biên tập viên David Axe của tờ Daily Beast nhận xét.

Tuy vậy, mối lo ngại của các chuyên gia y tế vẫn còn đó. Virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục đột biến, nguy cơ về những biến thể mới lây lan nhanh hơn vẫn hiển hiện.

Những biến thể mới khiến dịch bệnh lây lan thậm chí còn nhanh hơn, và sẽ chỉ chấm dứt khi các biện pháp giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng vaccine và kháng thể từ người khỏi bệnh - nhiều khả năng là cả ba - cắt đứt đường lây lan.

Tại những nơi không dễ áp đặt giãn cách xã hội và chậm tiêm chủng, mần bệnh sẽ có thể lây lan rất nhanh.

Giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều lý do khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ. Các lễ hội thu hút hàng triệu người tham gia, rất ít người đeo khẩu trang. Nước này cũng chỉ mới tiêm chủng có khoảng 3% dân số.

Các nhà dịch tễ cho rằng Nigeria, với những thành phố đông đúc, nhiều người nghèo và hệ thống y tế yếu kém, có nhiều điểm giống Ấn Độ, thậm chí tệ hơn trên một vài phương diện. Ấn Độ vẫn có thể tự sản xuất vaccine, nhưng Nigeria thì không. Họ phải nhập khẩu toàn bộ vaccine.

Điều này lý giải vì sao Nigeria mới chỉ tiêm chủng một liều cho khoảng 1% dân số, và hầu như chưa ai được tiêm đủ liều. Chính quyền nước này thông báo họ sẽ nhận khoảng 84 triệu liều vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson trong những tuần tới.

Nhưng con số này chỉ đủ cho khoảng 20% dân số Nigeria. Để đạt ngưỡng 75% mà giới chuyên gia đánh giá có thể tạo ra "miễn dịch cộng đồng" ngăn chặn đường lây lan của mầm bệnh có thể phải tới năm 2022.

Giới chuyên gia cảnh báo quốc gia 200 triệu dân nguy cơ bị 'sóng thần' Covid-19 nuốt chửng như Ấn Độ - 1
Nhân viên y tế Nigeria chuyển bệnh nhân tới bệnh viện (Ảnh: Quartz)

Shaun Truelove,nhà dịch tễ học thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng cần sớm vận chuyển vaccine cho Nigeria để đánh giá nước này triển khai tiêm chủng như thế nào.

"Cách duy nhất để biết chắc Nigeria sẽ tiêm vaccine như thế nào là chuyển vaccine cho họ. Khi họ có lượng vaccine lớn hơn, chúng ta có thể đánh giá quá trình phân phối, tiêm chủng. Việc chần chừ ảnh hưởng rất lớn tới chương trình tiêm chủng của họ," ông nói.

Nguồn cung vaccine không phải là vấn đề lớn nhất. Tại Mỹ, nơi nhiều nhà sản xuất vaccine cạnh tranh nhau, hơn 60 triệu liều chưa được sử dụng vẫn để không tại các cơ sở bảo quản. Lượng vaccine được sản xuất vẫn nhiều, ngay cả khi tỷ lệ tiêm vaccine của người dân nước này đã có xu hướng giảm.

Vài tuần sau khi Ấn Độ bước vào khủng hoảng Covid-19, chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden mới hứa hẹn sẽ chuyển vaccine dự phòng, do AstraZeneca sản xuất và chưa được cấp phép tại Mỹ, cho các nước khác.

Tình trạng này đã được giới chức y tế dự đoán từ năm ngoái. Mùa xuân 2020, WHO cùng các tổ chức khác bắt tay nhau xây dựng COVAX, với mục tiêu khuyến khích các nước giàu chia sẻ vaccine cho nước nghèo.

Mục tiêu của Covax là tới tháng 03/2021 sẽ chuyển 100 triệu liều vaccine, nhưng hiện nay mới chỉ có 40 triệu liều tới tay các nước nghèo.

"Điều này khiến Nigeria và nhiều nước khác rơi vào thế khó," Erondu nhận xét.

Mỹ cũng là một phần của vấn đề. Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump từ chối tham gia COVAX, theo quan điểm "nước Mỹ trên hết". Điều này có thể sẽ gây tác dụng ngược, bởi việc triển khai tiêm chủng ở các nước nghèo có thể sẽ bảo vệ chính các nước giàu, biên tập viên Axe bình luận.

Chính quyền của tổng thống Biden hồi tháng 02 đã đảo ngược quyết định này, cam kết ủng hộ 4 tỷ USD cho COVAX, trở thành nhà tài trợ lớn nhất. Bên cạnh đó, ông Biden cũng bày tỏ ủng hộ việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, được cho là sẽ tạo điều kiện để các nước tăng cường sản xuất.

Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn còn tranh cãi về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ chưa chắc đã tạo điều kiện cho các nước cần vaccine tiếp cận được sản phẩm. Trong khi đó, các nước giàu chưa thực hiện cam kết COVAX vẫn tiếp tục trì hoãn, bất chấp virus hoành hành tại các nước chưa thể triển khai tiêm chủng.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật