Chuyên gia WHO chính thức cảnh báo toàn thế giới về biến thể Covid-19 Ấn Độ lây lan nhanh, né miễn dịch

10/05/2021 17:08:11

Biến thể Covid-19 mới đang lây lan tại Ấn Độ có thể lây lan nhanh và né tránh miễn dịch vaccine, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại nước này, trưởng nhóm khoa học WHO Soumya Swaminathan nói.

Bà Soumya Swaminathan cảnh báo rằng "những đặc điểm dịch tễ học chúng ta thấy ở Ấn Độ hiện nay cho thấy đây là biến chủng lây lan rất nhanh".

Ấn Độ hôm 08/05 báo cáo hơn 4.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 chỉ trong 24 giờ, và hơn 400.000 ca nhiễm mới.

New Delhi gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh, vốn đang khiến hệ thống y tế nước này quá tải. Nhiều chuyên gia nghi ngờ thống kê ca nhiễm, ca tử vong chính thức chưa phản ánh đúng thực tế.

Swaminathan cho rằng biến thể B.1.617, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hồi tháng 10/2020, rõ ràng là một tác nhân gây ra khủng hoảng y tế tại quê hương của bà.

"Có nhiều yếu tố làm tăng tốc độ lây lan," nhà khoa học 62 tuổi nói, đồng thời nhấn mạnh rằng "một virus lây lan nhanh là một trong số đó".

Chuyên gia WHO chính thức cảnh báo toàn thế giới về biến thể Covid-19 Ấn Độ lây lan nhanh, né miễn dịch
Bà Soumya Swaminathan (Ảnh: Reuters)

WHO mới đây tuyên bố coi B.1.617 là "biến thể đáng chú ý", nhưng chưa liệt kê vào danh sách "biến thể gây lo ngại" - một nhóm các biến thể được giới khoa học đánh giá dễ lây lan hơn, chết chóc hơn hay có thể né tránh miễn dịch vaccine.

Tuy vậy, giới chức y tế tại một số nước, bao gồm Mỹ và Anh, cho biết họ đã coi B.1.617 là "biến thể gây lo ngại", và bà Swaminathan nhận định WHO cũng sẽ sớm có động thái tương tự.

"B.1.617 nhiều khả năng sẽ là biến thể gây lo ngại do nó có những đột biến tăng khả năng lây lan, cũng có thể giúp virus chống kháng thể được sản sinh sau khi tiêm vaccine hay sau khi nhiễm bệnh," bà cảnh báo.

Tuy vậy, Swaminathan cho rằng biến chủng không phải lý do duy nhất gây tình trạng số ca nhiễm và ca tử vong tăng vọt ở Ấn Độ. Bà chỉ trích việc nước này tỏ ra chủ quan, tổ chức nhiều sự kiện tụ tập đông người.

Các cuộc vận động tranh cử khổng lồ một phần được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao, theo các chuyên gia.

Tuy vậy, nhiều người ở Ấn Độ cũng cho rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc, không còn đeo khẩu trang hay áp dụng các biện pháp phòng tránh, tạo điều kiện cho virus âm thầm lây lan.

"Tại nước lớn như Ấn Độ, lây nhiễm có thể xảy ra ở mức độ thấp trong nhiều tháng. Đó là một dịch bệnh địa phương và có thể đã dần dần mở rộng," Swaminathan nhận định, than phiền rằng "những dấu hiệu cảnh báo sớm đã bị bỏ qua cho tới khi dịch bệnh tăng vọt về quy mô".

"Tới lúc đó rất khó dập dịch, bởi đó là vấn đề liên quan tới hàng chục ngàn người và tăng theo cấp số nhân rất khó chặn đứng," bà nói.

Dù Ấn Độ đang nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng để kiểm soát đại dịch, bà Swaminathan cảnh báo chỉ tiêm vaccine là chưa đủ. Bà lập luận rằng Ấn Độ tuy là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhưng mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 2% dân số hơn 1,3 tỷ người.

"Sẽ mất tới vài tháng, nếu không muốn nói vài năm, để đạt mức bao phủ 70-80%," bà đánh giá.

Swaminathan nhấn mạnh "trong tương lai gần, chúng ta cần dựa vào các biện pháp y tế và xã hội đã phát huy tác dụng" để giảm lây lan.

Bên cạnh đó, Swaminathan cảnh báo về khả năng xuất hiện biến chủng mới thậm chí còn nguy hiểm hơn ở Ấn Độ.

"Virus càng nhân bản và lây lan thì càng dễ phát triển đột biến và thích ứng," nhà khoa học Ấn Độ cho hay.

"Các biến chủng có nhiều đột biết có thể sẽ kháng các loại vaccine chúng ta đang có. Đó sẽ là vấn đề cho toàn thế giới," bà nói.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)