Các cuộc đình công kéo dài 24 giờ, do công đoàn Verdi và liên đoàn đường sắt - vận tải EVG kêu gọi là hành động mới nhất ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của châu Âu trong nhiều tháng qua, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng leo thang, làm giảm mức sống của người lao động. Sự cố đã làm gián đoạn việc đi lại của hàng triệu khách đi xe tuyến và khách du lịch ở Đức vào ngày đầu tuần.
Theo Reuters, hai trong số các sân bay lớn nhất Đức ở Munich và Frankfurt đã đình chỉ các chuyến bay, trong khi các dịch vụ đường sắt đường dài đã bị nhà điều hành Deutsche Bahn cho hủy bỏ.
Công đoàn Verdi đang thay mặt đàm phán cho khoảng 2,5 triệu lao động trong khu vực công, bao gồm cả giao thông công cộng và tại các sân bay. Trong khi liên đoàn vận tải và đường sắt EVG đàm phán cho khoảng 230.000 nhân viên thuộc Deutsche Bahn và các công ty xe buýt.
Tờ Bild am Sonntag dẫn lời Frank Werneke, lãnh đạo công đoàn Verdi tuyên bố, đình công là vấn đề sống còn của hàng triệu lao động trong tình hình lạm phát cao. Giá tiêu dùng ở Đức đã tăng hơn dự đoán trong tháng 2, tới 9,3% so với một năm trước vì áp lực chi phí vẫn còn ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đang cố gắng chế ngự lạm phát bằng một loạt đợt tăng lãi suất.
Chủ tịch EVG Martin Burkert chia sẻ trên tờ Augsburger Allgemeine rằng các nhà tuyển dụng vẫn chưa đưa ra một đề nghị khả thi nào. Ông cảnh báo có thể sẽ xảy ra thêm các cuộc đình công, kể cả trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh sắp tới.
Ngược lại, công ty Deutsche Bahn hôm 26/3 gọi đình công là "hoàn toàn quá mức, vô căn cứ và không cần thiết". Các chủ thuê lao động khuyến cáo, lương cao hơn cho nhân viên vận tải sẽ dẫn đến giá vé và thuế cao hơn để bù đắp.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)