Giáo sư Loeb vừa hoàn thành chuyến thám hiểm tiêu tốn 1,5 triệu USD để tìm kiếm dấu hiệu của một thiên thạch bí ẩn có tên là IM1 đã rơi xuống bờ biển Papua New Guinea vào năm 2014. Thiên thạch này được cho là đến từ không gian giữa các vì sao.
Nhà vật lý thiên văn 61 tuổi này nói với tờ The Independent rằng ông giám sát một nhóm các nhà thám hiểm biển sâu, những người đã tìm thấy 50 hình cầu nhỏ, còn gọi là những giọt nóng chảy, bằng cách sử dụng một chiếc xe trượt từ tính được tàu thám hiểm Silver Star thả xuống biển ở độ sâu 2km dưới bề mặt đại dương.
Ông Loeb tin rằng những vật thể nhỏ bé, có kích thước khoảng nửa milimet, hầu hết được làm từ hợp kim thép - titan, bền hơn nhiều sắt được tìm thấy trong các thiên thạch thông thường.
Các vật thể nhỏ bé đó sẽ được đưa về Đại học Havard để được kiểm tra thêm, nhằm xác nhận cấu tạo của chúng. Tuy nhiên, Giáo sư Loeb tin rằng chúng có nguồn gốc từ không gian giữa các vì sao hoặc được tạo ra từ một nền văn minh tiên tiến ngoài trái đất. Và khám phá này đã chứng minh rằng các phương pháp không chính thống của ông đang có kết quả tốt.
Trong khi tìm kiếm trong danh mục thiên thạch nguồn mở của NASA, nhóm của giáo sư Loeb phát hiện được IM1. Nó nổi bật vì di chuyển với tốc độ cao, nhanh hơn 95% so với các ngôi sao gần đó.
Giáo sư Loeb là người đứng đầu khoa thiên văn học của Đại học Havard, Mỹ từ năm 2011 tới năm 2020 và hiện là trưởng dự án Galileo của trường. Ông từ lâu đã là một nhân vật gây tranh cãi vì niềm tin được cho là ngoan cố rằng người ngoài hành tinh từng đến thăm Trái đất.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)