Bà Mạnh Vạn Châu, giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch trong hội đồng quản trị của Huawei, là con gái của nhà sáng lập công ty Ren Zhengfei. Bà bị bắt vào ngày 1/12 và phiên điều trần đầu tiên được ấn định vào ngày 7/12, theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada.
Huawei xác nhận vụ bắt giữ trong một thông cáo, đồng thời cho biết tập đoàn cũng không có nhiều thông tin về các cáo buộc nhắm vào bà Mạnh. Huawei khẳng định "không nhận thấy bất cứ hành vi sai phạm nào của bà Mạnh".
Dù nhà chức trách Canada không công bố chi tiết, nhưng dường như vụ bà Mạnh bị bắt có liên quan tới nhiều hoạt động trong quá khứ của Huawei, tập đoàn bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, theo Verge.
Lỗ hổng an ninh mạng và vấn đề bảo mật
Hồi đầu năm nay, cộng đồng tình báo Mỹ cảnh báo người dân nước này không nên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của những tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE.
Lý do được Mỹ đưa ra đó chính là vấn đề rủi ro an ninh mạng và cảnh báo nguy cơ gián điệp mạng khi sử dụng thiết bị viễn thông của hãng công nghệ Trung Quốc này.
Đây là kết luận được đưa ra trong cuộc họp Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ với sự tham gia của các lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ.
Bày tỏ quan điểm của mình, Giám đốc FBI Chris Wray cho biết chính phủ Mỹ có những quan ngại sâu sắc về những rủi ro khi cho phép các công ty hoặc tổ chức nước ngoài nắm được thị phần lớn trong dịch vụ mạng viễn thông trong nước.
Ông cho rằng, đây sẽ là cơ hội giúp cho các công ty này có khả năng bị sử dụng như một công cụ để ăn cắp các thông tin nhạy cảm cũng như tiến hành các hoạt động gián điệp mà không bị phát hiện.
Với nguy cơ rò rỉ dữ liệu cùng khả năng trở thành công cụ gián điệp, các sản phẩm điện thoại của Huawei đến từ Trung Quốc ngày càng mất điểm trên đất khách.
Tờ Nhật báo Phố Wall nói rằng chính phủ Mỹ cũng đang cố gắng thuyết phục các nhà mạng di động và Internet ở các nước đồng minh tẩy chay sản phẩm viễn thông của tập đoàn công nghệ Huawei.
Theo đó, mới đây nhất, sau Mỹ, Úc và Ấn Độ, cảnh giác về an ninh đối với Huawei và ZTE của Trung Quốc đang lan rộng trên thế giới, chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định từ chối sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE ở cấp độ chính phủ.
Cụ thể, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin chính phủ Nhật Bản đã quyết định loại trừ thiết bị viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc ra khỏi hồ sơ mời thầu đối với các hệ thống an ninh của chính phủ. Sankei Shimbun cũng cho biết, do Huawei và ZTE của Trung Quốc bị Mỹ và Úc xem là có vấn đề đối với an ninh quốc gia nên chính phủ Nhật Bản cũng có bước đi nhất quán nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin bí mật và tấn công mạng internet.
Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đang thảo luận các phương pháp hoặc mục tiêu đấu thầu cụ thể, theo đó thay đổi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật thông tin đối với hoạt động tham gia đấu thầu nhằm ngăn chặn sản phẩm của Huawei và ZTE của Trung Quốc.
Còn Ấn Độ thì thực tế đã ban hành lệnh cấm tương tự từ nhiều năm trước. Cụ thể, vào năm 2013, Ấn Độ chính thức có tên trong danh sách các quốc gia "cấm cửa", không cho phép sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei. Giống Mỹ, chính phủ Ấn Độ đã có những lo ngại với Huawei về vấn đề an ninh và bảo mật.
Tuy vậy, đại diện Huawei nhiều lần khẳng định họ không bao giờ cung cấp dữ liệu khách hàng nước ngoài cho tình báo Trung Quốc.
Thông tin CFO của Huawei bị bắt tại Canada được công bố cùng ngày với việc tập đoàn BT Group của Anh thông báo đã loại bỏ các thiết bị của Huawei khỏi mảng hoạt động di động 3G và 4G hiện hành của hãng. BT Group cũng đồng thời xác nhận sẽ không tiếp tục sử dụng các thiết bị của công ty Trung Quốc trong thành phần chính của các mạng tiếp theo.
Cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran
Wall Street Journal hồi tháng 4 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Huawei. Bà Mạnh từng nằm trong ban lãnh đạo Skycom Tech, công ty do Huawei nắm cổ phần và bị nghi ngờ bán nhiều thiết bị máy tính của Mỹ cho Iran, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ của Washington cho Tehran.
Nhà chức trách Mỹ nghi ngờ Huawei từ năm 2016, thời điểm Washington điều tra tập đoàn công nghệ ZTE vì vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên. Bộ Thương mại Mỹ sau đó công bố tài liệu nội bộ của ZTE, cho thấy tập đoàn Trung Quốc nghiên cứu phương thức kinh doanh bất chấp cấm vận của đối thủ mang định danh là "F7", được cho là Huawei.
Sau khi ZTE thừa nhận hành động vi phạm lệnh cấm vận, Trump ký quyết định cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ hồi tháng 7 sau khi tập đoàn Trung Quốc nộp khoản tiền phạt gần 1,4 tỷ USD.
Trong khi đó, Huawei vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định tuân thủ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Tập đoàn phản đối việc Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, cho rằng họ không nhận thấy bất cứ vi phạm nào của bà, đồng thời khẳng định tập đoàn tuân thủ tất cả luật hiện hành.
Chân dung Giám đốc tài chính Huawei vừa bị bắt ở Canada
Bà Mạnh Vãn Châu sinh năm 1972, là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei nhưng được lấy theo họ mẹ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung vào năm 1992, bà Mạnh Vãn Châu làm việc cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Một năm sau, bà gia nhập công ty Huawei do cha mình sáng lập. Tại đây, bà kinh qua rất nhiều công việc cơ bản ở các bộ phận cấp thấp từ sản xuất điện thoại, bàn phím…
Năm 1997, bà học thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung. Chỉ một năm rưỡi sau, bà quay trở lại làm việc cho Huawei ở vị trí nhân viên phụ trách tài chính.
Năm 2003, bà Mạnh Vãn Châu phụ trách một tiểu tổ có nhiệm vụ tái cấu trúc, chuẩn hóa lại cơ cấu, sắp xếp kế hoạch tài chính để đưa Huawei vươn lên thành một tập đoàn quy mô toàn cầu.
Đến năm 2005, bà Mạnh chủ trì việc lập ra 5 trung tâm trải nghiệm Huawei toàn cầu thúc đẩy Huawei đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Năm 2007, bà Mạnh Vãn Châu phụ trách thực thi dự án hợp tác với tập đoàn IBM của Mỹ, hoàn thành việc cải cách chuẩn hóa Huawei, đưa doanh nghiệp này vào lộ trình vươn ra toàn cầu mạnh mẽ.
Bà trở thành giám đốc tài chính kiêm nhiệm giám đốc thường vụ (COO) của tập đoàn Huawei năm 2011. Những năm gần đây, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu tập trung vào việc thúc đẩy quản lý tài chính toàn diện của tập đoàn. Nhờ bà mà các hoạt động tài chính trong công ty hiệu quả hơn.
Theo Nguyễn Quỳnh (Đời sống & Pháp luật)