Năm tồi tệ của Huawei trước khi giám đốc tài chính bị bắt

07/12/2018 07:52:00

Huawei liên tục bị Mỹ và nhiều nước khác cấm cửa vì lo ngại thiết bị viễn thông đe dọa an ninh quốc gia.

Giới chức Canada sáng nay thông báo bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei – Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ cũng muốn dẫn độ bà sang nước này, với cáo buộc được cho là liên quan đến việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Người phát ngôn của Huawei cho biết công ty "chỉ được cung cấp rất ít thông tin về việc này" và "không biết bà Mạnh vi phạm điều gì". Bà là con gái nhà sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) và được kỳ vọng kế nhiệm cha giữ chức CEO.

Sự việc này được đánh giá đã khép lại một năm đầy sóng gió với đại gia smartphone và thiết bị viễn thông Trung Quốc này.

Thương vụ với AT&T đổ bể

Năm tồi tệ của Huawei trước khi giám đốc tài chính bị bắt
Gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES hồi tháng 6 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Huawei khởi động năm 2018 với một sự kiện chẳng mấy vui vẻ. Họ từng kỳ vọng nhà mạng Mỹ - AT&T bán smartphone của mình tại đây. Nó sẽ là sự hợp tác đầu tiên giữa Huawei với một nhà mạng lớn của Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ "thất bại vào phút chót", CNN trích lời một nguồn tin thân cận hồi tháng 1 cho biết.

Huawei vẫn thường xuyên bị Mỹ phản đối, một phần do giới chức nước này lo ngại Chính phủ Trung Quốc có thể dùng công nghệ của Huawei cho hoạt động tình báo. Huawei đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc này.

Cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo về điện thoại Huawei

Đến tháng 2, cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục khuyến cáo người dân nước này không nên dùng điện thoại Huawei. Các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đã tham gia trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, và khẳng định thiết bị của Huawei, ZTE (một hãng smartphone khác của Trung Quốc) là mối đe dọa an ninh với người dân nước này

Khi đó, Huawei cho biết họ "có theo dõi diễn biến" tại Quốc hội Mỹ, nhưng từ chối bình luận trực tiếp về buổi điều trần này. Đến tháng 3, chuỗi siêu thị điện máy Best Buy – một trong những nơi hiếm hoi tại Mỹ bán thiết bị của Huawei – cho biết sẽ ngừng bán các sản phẩm này.

Giới chức Anh gắn nhãn "rủi ro mới" cho Huawei

Các quan chức an ninh hàng đầu của Anh cảnh báo họ khó đảm bảo thiết bị của Huawei không đe dọa an ninh quốc gia. Trong báo cáo thường niên hồi tháng 7, một hội đồng giám sát tại chính phủ Anh cho biết "các thiếu sót trong quy trình kỹ thuật của Huawei tạo ra rủi ro mới trong hệ thống viễn thông Anh".

Hôm thứ tư, Tập đoàn viễn thông của Anh – BT cũng thông báo sẽ không mua thiết bị từ Huawei cho mạng di động thế hệ kế tiếp. Họ cũng sẽ bỏ công nghệ Huawei trong mạng 4G hiện tại trong vòng 2 năm.

Australia cấm Huawei tham gia mạng 5G

Tham vọng trở thành người dẫn đầu trong công nghệ 5G toàn cầu của Huawei đã gặp thách thức lớn hồi tháng 8, khi Australia cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho nước này.

Chính phủ Australia cho biết sự tham gia của các hãng cung cấp thiết bị viễn thông "có khả năng nhận chỉ đạo từ chính phủ nước ngoài" sẽ khiến các nhà mạng nước này không thể "bảo vệ hoàn toàn mạng 5G khỏi các truy cập hoặc can thiệp bất hợp pháp".

Huawei đã gọi đây là quyết định "cực kỳ thất vọng với người tiêu dùng". Họ cũng phủ nhận việc thiết bị có rủi ro an ninh và khẳng định sản phẩm đang được sử dụng tại 170 nước và 46 trên 50 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.

Mỹ giục các đồng minh không dùng thiết bị của Huawei

Tháng trước, Wall Street Journal cho biết Washington đang giục các đồng minh ngừng sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei, vì rủi ro an ninh. Trong đó có Đức, Italy và Nhật Bản. Trong một thông báo sau đó, Huawei cho biết "rất ngạc nhiên với hành động của chính phủ Mỹ như đăng tải trên WSJ" và "các hành động này không nên được khuyến khích".

Tuần trước, New Zealand cũng cấm Spark - công ty viễn thông lớn nhất nước này sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G. Lý do vẫn là vì an ninh quốc gia.

Dù vậy, năm nay cũng không hoàn toàn chỉ mang lại tin xấu cho Huawei. Họ có thể gặp khó tại Mỹ và một số nước, nhưng vẫn kinh doanh khá tốt tại các thị trường khác.

Nửa đầu năm 2018, Huawei đạt doanh thu 325,7 tỷ NDT (47,4 tỷ USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cũng đã ký hơn 20 hợp đồng bán thiết bị và công nghệ 5G.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rắc rối của Huawei với Mỹ vẫn chưa chấm dứt. Năm nay, công ty đồng hương với họ - ZTE đã khốn đốn vì Mỹ cấm doanh nghiệp trong nước bán hàng cho ZTE trong nhiều tháng. "Trường hợp xấu nhất là Mỹ có động thái tương tự, cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei", Paul Triolo – Giám đốc chính sách công nghệ toàn cầu tại Eurasia Group kết luận.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)

Nổi bật