Đại diện Ủy ban Nobel Na Uy lý giải, WFP xứng đáng được vinh danh Giải Nobel Hòa bình năm 2020 vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức này nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giảm nạn thiếu lương thực cũng như nạn đói trên thế giới.
Các nỗ lực của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, mà còn góp phần mang lại sự ổn định và an ninh toàn cầu.
Giải thưởng Nobel Hòa bình vinh danh các cá nhân hoặc tổ chức có những đóng góp lớn nhất cho hòa bình thế giới trong năm. Giải thưởng này trong một năm đầy biến động và khủng hoảng dịch bệnh như năm 2020 càng được chú ý và mang nhiều ý nghĩa.
Tổng cộng có 318 ứng viên cho giải Nobel Hòa bình 2020, bao gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Danh tính của những ứng viên này được được Ủy ban Nobel Na Uy giữ kín theo truyền thống 50 năm qua. Tuy nhiên, giới báo chí vẫn chỉ ra những cái tên hàng đầu như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho nỗ lực ứng phó Covid-19 hoặc phong trào Black Lives Matter vì thúc đẩy các vấn đề phân biệt chủng tộc thành vấn đề toàn cầu.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ được tổ chức vào 10/12 theo ngày mất của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel, tại Đại học Oslo với khoảng 100 khách mời, thay vì Tòa thị chính Oslo rộng hơn như trong 30 năm qua. Người chiến thắng sẽ được trao một huy chương, một giấy chứng nhận cùng 10 triệu crown Thụy Điển (1,1 triệu USD).
Năm 2019, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed là người giành giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp trong chấm dứt xung đột với nước láng giềng Eritrea.
Trước đó trong tuần, các giải Nobel trong các lĩnh vực Y sinh, Vật lý, Hóa học và Văn học đã được công bố.
Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, cá nhân hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được Ủy ban Giải Nobel Na Uy (do Quốc hội Na Uy lập ra) quyết định. Chủ tịch hiện tại của Ủy ban này, Tiến sĩ Ole Danbolt Mjøs, cũng là một người từng được trao Giải Nobel Hòa bình.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)