Giải mã sự thất thủ của Mỹ trong đại dịch covid-19

04/05/2020 06:00:00

Số ca tử vong tại Mỹ do covid-19 gây ra đã lên tới hơn 50.000 người. Việc bỏ lỡ “cơ hội vàng” trong việc ngăn chặn dịch bệnh và sự chủ quan “chết người” của một số người đã khiến xứ cờ hoa rơi vào những ngày ảm đạm.

Con số ám ảnh

Chỉ qua một đêm, đại lộ New York hay đại lộ Nostrand, những con đường lớn vốn rất đông đúc của NewYork bỗng trở nên im lặng tới mức bạn có thể nghe thấy tiếng dế kêu, bác sĩ cấp cứu người Mỹ Robert Gore chia sẻ. Tuy nhiên, trái ngược với khung cảnh yên tĩnh ngoài đường phố, bên trong khoa Cấp cứu của bệnh viện công SUNY Downstate, đông Flatbush thuộc Brooklyn là sự hối hả, gấp gáp với tiếng còi báo động “Mã 99” nguy kịch từ hệ thống cảnh báo của bệnh viện, tiếng xe cứu thương và một không khí căng thẳng như thể chiến tranh đang đi qua.

“Rất khó khăn với tất cả mọi người. Nhưng, những người tôi thương xót nhất là các gia đình, đặc biệt là những người không có cơ hội nói lời tạm biệt với người thân của họ”, bác sĩ Robert Foronjy, Trưởng khoa Phổi và chăm sóc đặc biệt tại Downstate chia sẻ.

Hồ sơ - Giải mã sự thất thủ của Mỹ trong đại dịch covid-19
Nhiều người Mỹ nhận ra giá trị của chiếc khẩu trang sau đại dịch virus corona

Các bệnh nhân bị nặng nhất không có khả năng tự hô hấp và phải được cài máy thở. Với thực trạng các ca bệnh ngày một tăng, New York có thể cần thêm đến vài chục nghìn chiếc máy thở. Dẫu vậy, tỉ lệ sống sót trong số các bệnh nhân phải thở máy là khá thấp. Tính đến 14h33 ngày 26/4, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 53.798 người. Hơn 900.000 người Mỹ mắc bệnh và trung bình khoảng 2.000 người tử vong/ngày trong tháng này. Số ca bệnh thực tế có thể còn cao hơn.

Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khi số ca tử vong ở Mỹ đạt 50.000 người sẽ vượt qua tổng số người Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là 36.516 người và vượt qua cả số người tử vong do cúm mùa trong 7/9 mùa cúm gần đây.

Vì đâu một quốc gia hùng mạnh như Mỹ lại trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu kể từ cuối tháng Ba?

Bỏ lỡ “cơ hội vàng”

Hôm 31/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh cấm các công dân nước ngoài đã ở Trung Quốc trong 14 ngày qua nhập cảnh vào Mỹ. Các chuyên gia cho rằng đây là khoảng thời gian tuyệt vời để Mỹ kịp phát triển kit xét nghiệm và triển khai xét nghiệm rộng rãi nhằm ngăn mầm bệnh lan tràn ra cộng đồng.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng Hai, CDC phát triển và phân phối kit xét nghiệm đến các bang nhưng chúng bị lỗi. CDC hứa sẽ cung cấp hàng thay thế nhưng vài tuần trôi qua, lời hứa không được thực hiện. Kết quả, ngày 26/2, khi các ca bệnh lan tràn mà hệ thống xét nghiệm trong cộng đồng Mỹ vẫn chưa được triển khai.

Chưa có giải pháp thử nghiệm xác định mầm bệnh trong cộng đồng nhưng các hoạt động kinh doanh, buôn bán, tụ họp đông người vẫn diễn ra như thể thứ virus nguy hiểm này chưa từng xuất hiện ở đây. CDC chậm chạp trong việc triển khai giám sát cộng đồng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng chậm chạp trong việc ra các quy định buộc các đơn vị có liên quan đẩy nhanh việc sản xuất các sản phẩm thử nghiệm virus rộng rãi.

Một trong những yếu tố khiến các quốc gia châu Á kiềm chế dịch tốt là việc người dân bắt buộc phải sử dụng khẩu trang. Ban đầu, các chuyên gia phương Tây cho rằng khẩu trang không hiệu quả trong việc bảo vệ người đeo nên CDC chỉ khuyến nghị người ốm và người chăm sóc họ sử dụng chúng. Mãi cho đến khi nhiều học giả khẳng định virus có thể lây truyền ngay cả khi mọi người nói chuyện chứ chưa cần đến ho hoặc hắt hơi và lên tới 25% người nhiễm không có triệu chứng, các quan chức Mỹ và phương Tây mới thay đổi suy nghĩ.

Đến sự chủ quan

Nhà Trắng ban đầu không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề dù từ ngày 2/1, Robert Redfield, Giám đốc CDC đã liên lạc với hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình ở Trung Quốc liên quan đến một loại bệnh về đường hô hấp bí ẩn. Mười ngày sau, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên và ca nhiễm bệnh đầu tiên của Mỹ vào ngày 21/1.

Tuy vậy, khi phát biểu trước công chúng, Tổng thống và cố vấn khẳng định tình hình được kiểm soát. Và trong suốt hai tháng đầu năm, ông Trump gọi những cảnh báo covid-19 có thể gây ảnh hưởng nặng đến Mỹ là trò lừa bịp của đảng Dân chủ và giới truyền thông. Thậm chí, khi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hôm 30/1, ông Trump vẫn trấn an người dân rằng tình hình covid-19 "đã được kiểm soát rất tốt".

"Chúng ta đã lãng phí 2 tháng", Kathleen Sebelius, cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhận định.

Ngoài sự chủ quan, kết hợp với mong muốn bảo tồn nền kinh tế khiến Tổng thống Trump chậm quyết liệt chống dịch. Việc xứ sở cờ hoa trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới còn nằm ở việc các thân tín của ông Trump đã không cảnh báo rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Giới chức Nhà Trắng đánh giá, ông Trump không hoàn toàn nắm bắt được mức độ đe dọa của covid-19 một phần bởi Azar, người bất đồng với một số cố vấn thân cận của Tổng thống, không truyền đạt tốt vấn đề.

Ngày 13/3, gần 6 tuần sau khi WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Tổng thống Trump mới ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ba ngày sau, chính quyền khuyến cáo triển khai cách ly cộng đồng toàn quốc. Nhưng lúc này, đã có hơn 2.200 người tại nước này đã nhiễm virus, gần 50 người chết.

Theo Vũ Thu Hương (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật